Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng phục vụ
Quá trình chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin mà là sự thay đổi toàn diện về tư duy, nhận thức, phương thức hoạt động, mô hình tổ chức, quy trình nghiệp vụ, nhằm tạo ra những giá trị mới, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ.
Với tinh thần đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, từ nhiều năm nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã đầu tư, trang bị cơ sở, hạ tầng hiện đại, đảm bảo 100% hoạt động nghiệp vụ của ngành được thực hiện trên phần mềm ứng dụng; 100% công chức, viên chức và người lao động được định danh và cấp chữ ký số phục vụ quản lý và giải quyết các hoạt động nghiệp vụ; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh được thực hiện trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (iOffice) được thống nhất; có kết nối, liên thông để gửi, nhận văn bản với các đơn vị, tổ chức; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; 100% hồ sơ được tạo lập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác chuyển đổi số là hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư đã cơ bản được Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An hoàn thành. Tính đến tháng 10/2024, số lượng người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế toàn tỉnh đã xác thực được với dữ liệu dân cư là 2.971.072 người, đạt tỷ lệ 99,86%. Đây là cơ sở quan trọng để Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Về triển khai dịch vụ công trực tuyến, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ nhằm đơn giản hóa thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Số lượng thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện được cắt giảm tối đa. Trong 9 tháng đầu năm 2024, trung bình số hồ sơ giao dịch qua Dịch vụ công trực tuyến hàng tháng chiếm trên 70% tổng số hồ sơ giao dịch của cơ quan Bảo hiểm xã hội toàn tỉnh.
Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An luôn chú trọng triển khai nhóm các tiện ích để phục vụ người dân như: Khám, chữa bệnh bằng thẻ Căn cước công dân gắn chip tích hợp thông tin thẻ Bảo hiểm y tế; Liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử, Giấy khám sức khỏe lái xe; Triển khai phương thức chi trả không dùng tiền mặt đến người hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp; Hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số.
Xác định đây là những nhiệm vụ mang lại nhiều thuận tiện và phục vụ được nhiều người dân, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị để triển khai và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Hiện nay, toàn tỉnh đã có 531/531 (tỷ lệ 100%) cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ Bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân gắn chip với số lượt tra cứu thành công là 4.347.661, tăng 475.604 lượt so với tháng 9/2024 (riêng tại thành phố Vinh, đã có 51/51 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện, với số lượt thành công là 1.464.997). Tỷ lệ đã chi trả và số lượng hồ sơ của người dân đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (dự kiến chi trả qua ATM tại kỳ chi trả tháng 11/2024) đạt 82,77% (địa bàn thành phố Vinh đạt 97,79%).Triển khai 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Triển khai 28 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Người dân nói gì?
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của Chính phủ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam với mục tiêu quan trọng là phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Đi khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế, chị Nguyễn Thị Sen ở xã Diễn Hoa (Diễn Châu) chia sẻ: Trước đây, khi đi khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế, người dân phải mang nhiều loại giấy tờ, mất nhiều thời gian chờ đợi để làm thủ tục, nhưng nay việc làm thủ tục rất đơn giản, nhanh chóng. Tôi chỉ cần xuất trình Căn cước công dân hoặc hình ảnh thẻ Bảo hiểm y tế trong ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số, nhân viên y tế quét mã vào hệ thống là xong. Việc làm thủ tục nhanh chóng giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế sớm, tiết kiệm thời gian, công sức, tôi cảm thấy thoải mái hơn mỗi khi cần đi khám.
Bà Nguyễn Thị Sâm – cán bộ hưu trí ở xóm 20, Nghi Phú (TP. Vinh) chia sẻ: Trước đây, mỗi lần đến kỳ nhận lương hưu, tôi phải đạp xe ra nhà văn hóa xóm để nhận, ngày nắng còn đỡ, ngày mưa gió, hay gặp lúc ốm đau rất bất tiện. Chưa kể phải ngồi đợi có khi cả buổi, rất mất thời gian. Được cán bộ Bảo hiểm xã hội tư vấn mở tài khoản ngân hàng để nhận lương hưu, tôi đồng ý ngay. Đến nay, tôi đã nhận 2 tháng lương hưu qua tài khoản cá nhân. Tôi thấy lương hưu được chuyển về sớm hơn so với nhận trực tiếp, có thể chủ động kiểm tra số tiền trong tài khoản, rút tiền bất kỳ khi nào có nhu cầu. Nếu ngân hàng có thể lắp đặt thêm các máy rút tiền ATM thì sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho người dân.
Chị Phạm Thị Thúy – công nhân Công ty TNHH Haivina Kim Liên cho biết: Đa số người lao động trong công ty tôi đã cài ứng dụng VssID- Bảo hiểm xã hội số và thấy rất thuận tiện. Tôi có thể sử dụng ứng dụng để đi khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế thay cho thẻ Bảo hiểm y tế giấy, tra cứu các thông tin cần thiết liên quan đến thẻ Bảo hiểm y tế, lịch sử khám, chữa bệnh, quá trình tham gia Bảo hiểm xã hội, thực hiện một số dịch vụ công trực tuyến… Đặc biệt, việc cài đặt ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số giúp người lao động có thể giám sát quá trình đóng, mức đóng Bảo hiểm xã hội, từ đó bảo vệ quyền lợi của mình tốt hơn.
Với phương châm “Lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp ngành Công an, Lao động – Thương binh – Xã hội, Tư pháp, UBND cấp huyện, xã rà soát, cập nhật số định danh cá nhân, Căn cước công dân của người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, đảm bảo 100% người tham gia được làm sạch dữ liệu, xác thực được với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đẩy mạnh việc chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tiếp tục triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, viên chức và người lao động trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo đúng quy định. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh, đẩy mạnh thực hiện đón tiếp người bệnh đi khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân gắn chíp, hình ảnh thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID hoặc VNeID; Đẩy mạnh việc thực hiện liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử, Giấy khám sức khỏe lái xe lên Cổng tiếp nhận Hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm y tế; Đôn đốc các cơ sở khám, chữa bệnh liên thông dữ liệu đúng thời gian quy định.
Ông Hoàng Văn Minh – Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nghệ An