Nhân kỷ niệm Ngày Điều dưỡng Việt Nam (26/10), Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng Thạc sĩ Bành Thị Quỳnh Nga – Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
P.V: Ngày 26/10 là Ngày Điều dưỡng Việt Nam, là dịp để xã hội tôn vinh những người điều dưỡng lặng thầm chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân trong các cơ sở y tế. Chị có thể cho biết rõ hơn về lịch sử, vai trò và vị trí của nghề điều dưỡng hiện nay?
Thạc sĩ Bành Thị Quỳnh Nga: Ở các cơ sở y tế, vai trò của điều dưỡng hết sức quan trọng. Điều dưỡng là người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân ở cơ sở y tế, cũng là người cuối cùng tiễn người bệnh hồi phục sức khỏe về nhà. Trong quá trình điều trị, người điều dưỡng trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân ở cơ sở y tế. Ngoài ra, họ còn cung cấp kiến thức để bệnh nhân tuân thủ, chủ động phối hợp điều trị; hỗ trợ cho người bệnh về công tác hậu cần, cũng như giải quyết các thủ tục hành chính.
Ở Việt Nam trước đây, chúng ta không có nghề điều dưỡng. Người thầy lang sẽ kiêm luôn vai trò của bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng. Phải đến khi thực dân Pháp xây dựng những nhà thương, bệnh viện thì nghề điều dưỡng mới được du nhập. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vai trò của những điều dưỡng đã được thể hiện rõ. Họ có nhiệm vụ ra mặt trận chính chăm sóc thương, bệnh binh, bắt đầu lên các phương án chăm lo cho các chiến sĩ trên mặt trận.
Đảng và Nhà nước ta đã hết sức coi trọng và đặc biệt quan tâm đến ngành Điều dưỡng. Năm 1982, Nhà nước đã cho phép Bộ Y tế ban hành chức danh y tá trưởng bệnh viện và y tá trưởng khoa. Năm 1985, nhiều bệnh viện trong cả nước đã bắt đầu xây dựng cho mình những Phòng Điều dưỡng riêng, các tổ chức Điều dưỡng bắt đầu tách ra khỏi các phòng Y vụ. Đến ngày 26/10/1990, Hội Điều dưỡng Việt Nam chính thức được thành lập. Kể từ đó, ngày 26 tháng 10 hằng năm được quy định là Ngày Điều dưỡng Việt Nam.
Trước đây, mọi người vẫn chưa nhìn nhận đúng vai trò, vị trí của điều dưỡng khi mặc định rằng, điều dưỡng đơn thuần là người thực hiện y lệnh điều trị. Song những năm gần đây, quan điểm về ngành Điều dưỡng đã thay đổi. Theo đó, khi Thông tư 07/2011/TT-BYT ngày 26/01/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện được ban hành, điều dưỡng đã xác định là một nghề độc lập. Song song với việc thực hiện y lệnh, người điều dưỡng được chủ động nhận định, thăm khám, đưa ra chẩn đoán điều dưỡng đối với bệnh nhân; lập kế hoạch chăm sóc đối với bệnh nhân, được lượng giá lại kế hoạch công việc mà mình đã thực hiện.
Vai trò, vị trí của người điều dưỡng đã được nâng cao. Điều này cũng đồng nghĩa, người điều dưỡng cũng có thêm những áp lực và trách nhiệm mới. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, bắt buộc người điều dưỡng phải thường xuyên học tập, rèn luyện và nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình.
P.V: Chị có thể nói rõ hơn về những áp lực, vất vả, khó khăn của nghề điều dưỡng?
Thạc sĩ Bành Thị Quỳnh Nga: Điều dưỡng chịu rất nhiều áp lực, khó khăn trong công việc. Đầu tiên, khối lượng công việc lớn khiến các điều dưỡng viên rất bận rộn và hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Họ phải thực hiện rất nhiều phần việc trong quá trình chăm sóc từ giúp đỡ bệnh nhân sinh hoạt đến hỗ trợ các y, bác sĩ theo dõi tình trạng của các bệnh nhân… Tiếp đến, do đối tượng phục vụ của điều dưỡng là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng là khách hàng. Vậy nên, trong một thời điểm, điều dưỡng phải ứng xử với nhiều đối tượng có sự khác nhau lớn về trình độ, nhận thức.
Hoạt động của điều dưỡng liên quan đến sức khỏe và tính mạng của người khác nên khi làm việc phải rất tập trung, tỉ mỉ, mang tính chuyên môn sâu và phải luôn giữ vững tinh thần, vì thế, việc áp lực và căng thẳng, mệt mỏi không thể tránh khỏi. Trong quá trình hoạt động, người điều dưỡng còn chịu những áp lực khác như môi trường làm việc khó khăn, không an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (bệnh truyền nhiễm, vấn nạn bạo hành nhân viên y tế…). Đi kèm với đó là tình trạng thiếu trang thiết bị phục vụ công tác.
Do tính chất hoạt động chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân diễn ra 24/24 giờ trong ngày, nên người điều dưỡng phải đối diện với những ca trực được bố trí dày đặc, nhất là tại những khoa, phòng thiếu nhân lực. Ngoài làm việc giờ hành chính, ca trực, người điều dưỡng cũng phải thường thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất khác như vận chuyển bệnh nhân. Bản thân tôi vẫn luôn nhớ những chuyến vận chuyển bệnh nhân chuyển tuyến như vậy. Xuyên suốt chuyến đi, tôi phải thường xuyên theo dõi sát diễn biến của bệnh nhân, liên tục thực hiện các giải pháp để duy trì sự sống, ổn định cho bệnh nhân.
Những áp lực của nghề điều dưỡng còn đến từ việc xã hội chưa ghi nhận đúng vai trò, vị trí; thu nhập chưa tương xứng với đóng góp, công sức bỏ ra… Đại đa số điều dưỡng là nữ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, người điều dưỡng rất khó để hoàn thành tốt thiên chức người vợ, người mẹ. Đây chính là hy sinh, thiệt thòi cho gia đình, cũng như bản thân người điều dưỡng.
P.V: Để thực hiện tốt nhiệm vụ, người điều dưỡng cần có những phẩm chất gì? Người điều dưỡng cần làm gì để trau dồi những phẩm chất đó, cũng như cách để vượt qua khó khăn?
Thạc sĩ Bành Thị Quỳnh Nga: Tố chất cần có đầu tiên ở người điều dưỡng là một trái tim nhân hậu để yêu thương, đồng cảm, chia sẻ với những đau đớn, khó khăn mà người bệnh và người thân của họ đang phải gánh chịu. Chỉ có tình yêu thương, sự đồng cảm mới giúp người điều dưỡng đến gần hơn với bệnh nhân, coi người bệnh như người thân của mình để chăm sóc.
Trong quá trình chăm sóc người bệnh, điều dưỡng cần có sự tỉ mỉ và thận trọng, nghiêm túc và không thể đưa ra những quyết định vội vàng vì chỉ một phút bất cẩn và sai lầm của người điều dưỡng có thể khiến người bệnh phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Nghề điều dưỡng gắn liền với chăm sóc bệnh nhân, những đêm trực với khối lượng công việc lớn, bệnh nhân diễn biến liên tục… và thậm chí không ngày nghỉ, ngày lễ. Nếu không kiên nhẫn, yêu nghề và sẵn sàng chịu áp lực cao chắc chắn bạn sẽ không thể trụ vững với nghề này.
Trong quá trình chăm sóc người bệnh, người điều dưỡng sẽ phải đối mặt với rất nhiều tình huống. Chính vì vậy, điều dưỡng viên phải có phản ứng nhanh nhẹn để nắm bắt đúng bản chất vấn đề, có kỹ năng xử lý tình huống cũng như xử lý các biến chuyển, nhận định nhanh – đúng các bất thường ở người bệnh để phối hợp cùng bác sĩ trong điều trị, chăm sóc người bệnh.
Có thể nói, điều dưỡng là người gần với bệnh nhân nhất, hiểu rõ bệnh nhân nhất, đồng thời, cũng là người có thể xoa dịu tốt nhất cho người bệnh và người thân của họ. Sở hữu một kỹ năng giao tiếp tốt, chuẩn mực, linh hoạt không chỉ giúp người điều dưỡng hoàn thành tốt công việc mà còn là liều thuốc tinh thần quý giá cho người bệnh…
Riêng với những điều dưỡng ở bệnh viện chuyên về sản khoa, nhi khoa, yêu cầu của công việc còn ở mức cao hơn khi đối tượng phục vụ là những người yếu thế, luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Chịu sự giám sát của nhiều người, người điều dưỡng cần phải cố gắng hơn để làm hài lòng bệnh nhân.
Bên cạnh sự nỗ lực từ bản thân, điều dưỡng cũng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo và người thân trong gia đình. Sự quan tâm hỗ trợ này thể hiện ở việc tạo ra một môi trường làm việc, môi trường sống thoải mái để họ phát triển, chuyên tâm, chuyên chú với công việc.
P.V: Qua theo dõi các sự cố, khủng hoảng y khoa gần đây, nhận thấy có rất nhiều sự cố liên quan đến chuyên môn, tinh thần thái độ của người điều dưỡng. Người điều dưỡng cần làm gì để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra?
Thạc sĩ Bành Thị Quỳnh Nga: Các sự cố y khoa ở các cơ sở y tế vẫn thường xảy ra vào các thời điểm giao ca. Để phòng tránh, hạn chế sự cố y khoa, các bệnh viện cần xây dựng và chuẩn hóa quy trình giao, nhận ca giữa các điều dưỡng; cần có hệ thống giải pháp để xác định chính xác bệnh nhân và y lệnh điều trị.
Bản thân mỗi người điều dưỡng cần phải luôn xác định rõ vị trí của mình để nỗ lực tự học tập, hoàn thiện mình và thực hiện tốt nhiệm vụ. Quá trình chăm sóc điều trị bệnh nhân, điều dưỡng cần tăng cường giao tiếp với bệnh nhân, người nhà để phối hợp thực hiện tốt các y lệnh điều trị.
Các bệnh viện cần tổ chức những khóa đào tạo, tạo điều kiện cho điều dưỡng tham gia học tập, đào tạo ở nội viện và các bệnh viện tuyến trên. Trong đó, cần chú ý việc đào tạo kỹ năng giao tiếp, kỹ năng kìm nén cảm xúc, thường xuyên rèn luyện với các tình huống xấu giả lập để có kỹ năng xử lý đúng đắn.
P.V: Thực trạng hiện nay cho thấy, thu nhập của điều dưỡng chưa cao; tình trạng thiếu điều dưỡng diễn ra ở nhiều cơ sở y tế; nhiều điều dưỡng bỏ nghề… Là người trong cuộc, chị nhìn nhận thực trạng này như thế nào và cần phải làm gì để thay đổi?
Thạc sĩ Bành Thị Quỳnh Nga: Hiện nay, tình trạng thiếu điều dưỡng không chỉ diễn ra trong nước mà cả ở trên thế giới. Chính vì nghề điều dưỡng vất vả nên người dân ở nhiều nước phát triển không lựa chọn nghề này. Để thu hút lượng điều dưỡng thiếu hụt, nhiều nước đã có chính sách mở để “nhập khẩu” điều dưỡng, thậm chí có chính sách định cư.
Ở trong nước, tình trạng thiếu điều dưỡng, điều dưỡng bỏ nghề trở thành một xu thế rất rõ. Tình trạng này diễn ra ngay cả ở những bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh. Chính vì vậy, thời gian qua, các bệnh viện đã rất nỗ lực để tuyển dụng điều dưỡng.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng nói trên chính là tính chất công việc điều dưỡng vất vả, áp lực, cộng thêm thu nhập từ nghề chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Ở một số bệnh viện đông bệnh nhân, thu nhập của điều dưỡng là ở mức khá so với thu nhập bình quân của người lao động. Tuy nhiên, ở những bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện ít bệnh nhân thì có nơi điều dưỡng vẫn đang còn phải chịu cảnh “nợ lương”.
Để thay đổi thực trạng nói trên, thiết nghĩ, các cấp, ngành cần quan tâm xây dựng môi trường làm việc đảm bảo an toàn với hành lang pháp lý đủ mạnh để các điều dưỡng an tâm công tác; bố trí đầy đủ các trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân để các điều dưỡng đỡ phần vất vả.
Cần có chính sách hỗ trợ cho các điều dưỡng trong việc học tập nâng cao trình độ; hỗ trợ thu nhập cho những điều dưỡng trong giai đoạn vừa vào nghề – thu nhập còn thấp. Cần tạo cơ hội phát triển, xây dựng động cơ phấn đấu đúng đắn cho người điều dưỡng… Như chúng ta đã biết, ở nhiều nước phát triển và các tập đoàn bệnh viện tư nhân, họ đã xây dựng nên một hệ thống mới. Ở đó, người điều dưỡng có thể phát triển trở thành trưởng khoa, phó giám đốc, giám đốc bệnh viện.
P.V: Xin cảm ơn chị!