Nỗ lực thoát nghèo
Gia đình anh Trần Ngọc Hoàn ở xóm Hồng Trường, xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn) là một trong những hộ vừa thoát nghèo. Nói về chặng đường đã qua, anh Hoàn cho biết: Trước đây, cuộc sống gia đình nhiều khó khăn. Nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng ông bà để lại. Hai vợ chồng đi làm thuê, có việc gì làm nấy.
Khát vọng ra khỏi danh sách hộ nghèo tưởng chừng không thể thực hiện được, cho đến khi gia đình nhận được sự hỗ trợ là 1 con bò lai sind sinh sản. Đó là tài sản lớn đã thúc đẩy gia đình tôi vươn lên thoát nghèo.
Khi nhận được bò sinh sản, gia đình anh Hoàn còn được bà con lối xóm giúp xây dựng chuồng trại, hướng dẫn trồng cỏ voi trong vườn. Cùng đó, gia đình anh được hỗ trợ học nghề “Nuôi và điều trị bệnh cho trâu, bò”, được tư vấn, giúp đỡ về kiến thức chăn nuôi, cách phòng và trị bệnh cho vật nuôi… Có được sự giúp đỡ đó, việc chăn nuôi của gia đình anh Hoàn thuận lợi hơn nhiều, từ đó, kinh tế gia đình từng bước ổn định và thoát khỏi hộ nghèo.
“Sự giúp đỡ của các cấp, ngành tạo thêm động lực rất lớn để gia đình phát triển kinh tế vững chắc hơn”.
Anh Trần Ngọc Hoàn – xóm Hồng Trường, xã Nghĩa Hồng – Nghĩa Đàn
Để giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo một cách hiệu quả, hàng năm, xã Nghĩa Hồng phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; các tổ chức, đoàn thể, phân công giúp đỡ đối tượng đoàn viên, hội viên nghèo.
Ông Hồ Sỹ Minh – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồng cho biết: “Xã đã phối hợp tuyên truyền, vận động quyên góp quỹ người nghèo có hiệu quả, từ đó, giúp hộ nghèo bằng những chương trình cụ thể. Trong 2 năm (2023 và 2024), chúng tôi đã hỗ trợ 6 hộ nghèo, trong đó, có 4 hộ được hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế, 2 hộ được hỗ trợ sổ tiết kiệm… Các hộ đã sử dụng đúng và phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ, từng bước thoát nghèo bền vững”.
Với mục đích tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nguồn vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, huyện Nghĩa Đàn triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, như cho hộ nghèo vay vốn theo các quy định của tỉnh và địa phương. Hầu hết các hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đều phát huy tính chủ động trong lao động, chăn nuôi, sản xuất đạt hiệu quả cao, đem lại thu nhập ổn định.
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động và các giải pháp thiết thực đã tạo nên sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn cùng chung tay thực hiện công tác giảm nghèo. Nhiều hộ nghèo đã có sự thay đổi và chuyển biến nhận thức đối với mục tiêu giảm nghèo mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Cuối năm 2020, huyện Nghĩa Đàn có 2.292 hộ nghèo, chiếm 6,48% tổng số hộ toàn huyện. Đến nay (tháng 10/2024), số hộ nghèo giảm xuống còn 1.040 hộ nghèo (2,9% tổng số hộ toàn huyện). Như vậy, trung bình mỗi năm, huyện Nghĩa Đàn giảm từ 1,2- 1,5% hộ nghèo. Hộ cận nghèo có 1.346, chiếm tỷ lệ 3,75%. Đến cuối năm 2024, huyện Nghĩa Đàn phấn đấu giảm thêm từ 0,8-1,0% hộ nghèo.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Để đạt hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững, cùng với sự hỗ trợ nguồn vốn, “cầm tay chỉ việc” cho hộ nghèo, huyện Nghĩa Đàn chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Các tổ chức, đoàn thể nâng cao vai trò trong xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện công tác giảm nghèo.
Những năm qua, huyện Nghĩa Đàn đẩy mạnh công tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức như: tổ chức ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm, hội chợ việc làm từ cấp huyện đến cơ sở; mở các lớp dạy nghề cho hàng nghìn lao động. Trung bình mỗi năm, huyện giải quyết việc làm cho từ 1.700 – 2.100 lao động. Đặc biệt, năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, huyện Nghĩa Đàn giới thiệu việc làm mới cho gần 3.500 lao động; trong đó, lao động trong tỉnh 900 người, xuất khẩu lao động theo hợp đồng khoảng 2.600 người.
Cùng với đó, huyện Nghĩa Đàn giao trách nhiệm cho các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác “đỡ đầu” hộ nghèo; vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng những hoạt động cụ thể, sát thực. Huyện cũng phối hợp kêu gọi ủng hộ xây dựng nhà tình thương, nhà nhân ái cho hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Trong năm 2023 và 10 tháng của năm 2024, huyện triển khai xây dựng mới hơn 169 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, với tổng kinh phí gần 7,6 tỷ đồng.
Qua trao đổi, bà Lê Thị Vinh – Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Nghĩa Đàn cho biết: Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, huyện Nghĩa Đàn đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo.
Thông qua các chương trình dạy nghề đã giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có tay nghề trong các lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi. Cùng đó, các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã quyết tâm với ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của toàn xã hội đồng hành cùng hộ nghèo để giảm nghèo bền vững.