Thử thách thiêng liêng, cao cả
“… Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được giao nhiệm vụ rải truyền đơn. Làm sao quên được cái ngày ấy, cái ngày mà tôi được thấy lá cờ đỏ sao vàng in trên tờ truyền đơn. Tôi hồi hộp đứng bên cửa sổ thì thầm đọc mấy dòng: “Đông Dương Cộng sản Đảng…”. Đêm đó là một đêm trăng sáng vằng vặc, không gian bao la rộng lớn như tâm hồn tôi khi bắt gặp ánh sáng của Đảng qua sách, báo, truyền đơn…”.
Những dòng hồi ức xúc động ấy là của một đảng viên năm 1930 – ông Dương Phúc Túa quê ở làng Phú Văn, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương trong giây phút thiêng liêng được cầm trên tay tờ truyền đơn của Đảng. Hồi ức thiêng liêng được ghi lại vẹn nguyên trong cuốn sách “Dưới ngọn cờ hồng” hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Để rồi mỗi lần du khách đến đây, được đọc vang những dòng chữ ấy, họ như cảm nhận được hơi thở của một thời kỳ lịch sử đầy gian nan nhưng oai hùng. Tâm trạng của ông cũng chính là tâm trạng của nhiều người khi được đặt tay lên mảnh giấy nhỏ bé nhưng chứa đựng trong đó niềm tin và khát vọng cháy bỏng về tự do, độc lập.
Đối với những chiến sĩ cách mạng thời điểm đó, việc rải truyền đơn là một nhiệm vụ hết sức cao cả, thiêng liêng. Nhiệm vụ ấy được thể hiện rõ nét qua cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Nguyên (SN 1910) – một chiến sĩ cách mạng, đảng viên năm 1930 của mảnh đất Đức Thọ (Hà Tĩnh).
Trong hồi ký “Bước đường đi theo cách mạng” của mình, ông cho biết, bản thân ông sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mất sớm. Từ nhỏ, ông đã được học chữ Hán và chữ Quốc ngữ với 2 thầy giáo là Đào Nhật Lãm và Nguyễn Như Cương. Hai thầy đã truyền cho ông tình yêu nước đến cháy bỏng. Và rồi, khi bước vào độ tuổi thanh niên, thầy Lãm cũng chính là người dẫn dắt ông đi vào con đường cách mạng.
Nhiệm vụ đầu tiên mà Trần Nguyên được thử thách là rải truyền đơn ở những nơi chưa có phong trào, những nơi đông người… Để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt ấy, ông phải cải trang thành người đi buôn vạc, người buôn thuốc Bắc để giấu truyền đơn vào từng túi thuốc, hoàn thành nhiệm vụ dưới sự rình mò, truy xét gắt gao của kẻ địch.
Trong hồi ký “Bước đường đi theo cách mạng”, in trong cuốn “Dưới ngọn cờ hồng”, ông viết: “Đồng chí Đống và Đào Nhật Lãm lên nhà thờ Phan Thiết tuyên bố kết nạp đảng cho tôi. Đồng chí Lãm nói rằng: Đảng thử thách công tác qua các cuộc mít tinh, biểu tình và rải truyền đơn. Đồng chí đã làm tròn trách nhiệm. Tôi thay mặt Đảng chứng nhận đồng chí là một đảng viên”. Những dòng hồi ký ấy được ghi lại với tất cả sự xúc động và lòng biết ơn, chính là minh chứng cho niềm tin sắt đá và tình yêu nước sâu sắc của những người chiến sĩ cách mạng.
Tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh hiện còn lưu giữ nhiều tờ truyền đơn của Đảng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Với lời văn mộc mạc, chân thành, những tờ truyền đơn có lúc như lời tâm tình vận động, có lúc như lời thuyết phục đanh thép, in sâu vào tâm trí nhân dân.
“Tất cả anh em binh lính: khố đỏ, khố xanh, lính tuần, lính lệ! Anh em phải nhớ rằng, quân giặc đế quốc Pháp đã bắt anh em lìa bỏ làng nước, cha mẹ, vợ con, bắt anh em phơi thây đổ máu cho quân giặc đế quốc hưởng lợi.
Anh em ơi! Đã khổ sở nhục nhã đau đớn chưa? Anh em vốn ở trong đám thợ thuyền, dân cày mà ra, nên phải bênh vực cho thợ thuyền, dân cày làm cách mệnh, chỉ có cách mệnh mới sống được mà thôi…”.
Trích truyền đơn của Đảng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh
“Những tờ truyền đơn này được các chiến sĩ cất giấu trong túi xách hay dưới đáy quang gánh, trên là đủ thứ rau, quả, cải trang thành người đi chợ. Đến các điểm tập trung đông người, các đường thôn, ngõ xóm, khi đã cắt đuôi được mật thám theo dõi thì chúng sẽ được rải một cách khéo léo. Mỗi khi nhặt được truyền đơn, quần chúng nhân dân lại bí mật đọc và truyền tai nhau. Người vận động người, nhờ đó, sự chuyển hóa tư tưởng trong đông đảo quần chúng nhân dân ngày một tăng lên, vai trò lãnh đạo của Đảng cũng vì thế mà ngày càng phát huy cao độ”, chị Trần Thị Hồng Nhung – Phó Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh chia sẻ với chúng tôi bên những tờ truyền đơn còn vẹn nguyên nét chữ. Đó là chứng tích của thời gian, là lời khẳng định của lịch sử về một giai đoạn hào hùng không thể nào quên!
Chứng tích của thời gian
Trong điều kiện khó khăn và thiếu thốn đến vậy, những tờ truyền đơn được ra đời như thế nào? Trong Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh hiện còn lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật, giúp chúng ta hiểu được quá trình tạo ra những tờ truyền đơn đanh thép.
Bàn đá, nồi nấu thạch, đĩa mài mực, giấy dó… là dụng cụ, nguyên liệu thông dụng cho hai cách in truyền đơn là in li tô trên bàn đá và in thạch. Đối với phương pháp in thạch, các chiến sĩ sẽ dùng nồi để nấu chín thạch và sử dụng những đồ dùng thường ngày của gia đình như mặt mâm chè, mâm đồng, mặt mâm gỗ, hoặc nến sáp, khuôn đất sét… để làm khuôn in. Phương pháp này có ưu điểm là đơn giản, dễ thao tác và quân địch khó phát hiện.
Còn phương pháp in li-tô (in trên đá) đẹp hơn và năng suất cao hơn nhiều nhưng cũng rất vất vả. Các chiến sĩ cách mạng phải bí mật khắc các tài liệu lên đá, thực hiện nhiều công đoạn phức tạp và rất dễ bị phát hiện. Quá trình in truyền đơn vì thế mà vô cùng vất vả, hiểm nguy. Không ít chiến sĩ của ta đã bị tù đày, đánh đập, tra khảo khi bị quân địch nghi ngờ liên quan đến hoạt động này.
Chị Phạm Kim Lân – Phó phòng Trưng bày, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cho biết, liên quan đến việc rải truyền đơn, chị luôn nhớ về câu chuyện của một người chiến sĩ kiên trung, đó là đồng chí Nguyễn Trọng Cừ (SN 1906). Ông sinh ra tại làng Ngọc Sơn, tổng Xuân Lâm, nay là xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương.
Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, ông đã nung nấu khát vọng đấu tranh để mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Đầu năm 1928, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ nhận nhiệm vụ rải truyền đơn ở 2 làng (Văn Lâm và Ngọc Sơn). Đêm hôm đó, đồng chí tiếp tục bí mật cắm cờ trên nóc đình làng Ngọc Sơn. Sáng hôm sau, truyền đơn được rải trắng khắp các con đường của 2 làng, cờ búa liềm tung bay phấp phới đã làm cho bà con hân hoan, còn bọn thực dân, phong kiến lại vô cùng hoang mang, lo lắng.
Sau nhiều hoạt động chống lại kẻ thù và đặc biệt là tích cực rải truyền đơn, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ và các đồng chí của mình bị giặc bắt, vào một buổi sáng tháng 10/1931. Chúng đưa đồng chí về giam ở đồn Phúc Xá. Tại đây, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ cùng nhiều đồng chí khác bị tra tấn dã man, để rồi sau đó phải chịu 16 năm tù khổ sai.
Cả một chặng đường dài đấu tranh, kể từ giây phút bắt gặp tờ truyền đơn của Đảng, được giác ngộ cách mạng, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ và biết bao chiến sĩ cách mạng đã một lòng theo Đảng không một chút do dự. Những dòng chữ truyền đơn đến hôm nay như vẫn còn nóng hổi, khắc sâu vào tâm khảm của người đọc, đó không chỉ là lời kêu gọi mà còn là tiếng lòng của những người chiến sĩ cách mạng kiên trung.
Thông qua tuyên truyền, Đảng đã từng bước nâng cao vai trò lãnh đạo của mình, tập trung được lực lượng quần chúng cách mạng, xây dựng khối liên minh công nông vững chắc và cổ vũ, khích lệ niềm tin, tinh thần đấu tranh của nhân dân, góp phần làm nên cao trào cách mạng 1930 – 1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Những tờ truyền đơn cũ kỹ, phai màu theo năm tháng vẫn giữ nguyên sức mạnh – một sức mạnh không thể lay chuyển bởi thời gian, vẫn còn vang vọng đến hôm nay…