Bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh – bảo vật thiên nhiên

Nguyễn Trọng Thắng / Viện Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa


Đầu năm 2022 trong thành phần của Liên hiệp Hội Việt Nam xuất hiện một đơn vị mới: Viện bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Viện bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh do ông Võ Kim Cự, nguyên Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam làm Viện trưởng. Đây là một tổ chức hoạt động khoa học công nghệ được thành lập với mục đích nghiên cứu bảo tồn, phát triển bền vững Sâm Ngọc Linh - một sản phẩm thiên nhiên quý hiếm ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, sâm Ngọc Linh được tìm thấy tại vùng núi Ngọc Linh thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và 2 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Từ lâu, cây sâm Ngọc Linh đã nổi tiếng về công dụng chữa bệnh đem lại sức khỏe cho người dân với phần thân rễ chứa 52 hợp chất saponin, trong đó có 26 hợp chất saponin không có trong các loại sâm khác, được xếp vào một trong 5 cây sâm quý nhất trên thế giới. Ngoài những giá trị về sức khỏe, sâm Ngọc Linh còn ẩn chứa những tiềm năng kinh tế to lớn. Với tiềm năng sản phẩm, thị trường và giá trị của sâm Ngọc Linh, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam. Mục tiêu không phải là một vài chục tỷ đồng sau mỗi phiên chợ mà phải tiến tới mục tiêu tỷ đô-la giá trị sản xuất và xuất khẩu trong những thập niên tới. Điều này hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào dự báo thị trường nhân sâm quốc tế với mức tăng trưởng rất cao.
Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ, sâm Ngọc Linh Việt Nam có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư... Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường,...
Nhận thức rõ giá trị của Sâm Ngọc Linh đối với việc bảo tồn nguồn dược liệu xanh quý hiếm, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội, ngày 5-6-2017 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã  ký quyết định số 787, phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 cho cây sâm Ngọc Linh, bắt đầu thực hiện từ năm 2017 ở 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã bố trí nguồn lực địa phương, xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn; bước đầu đã đạt được một số kết quả tốt, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo ở vùng miền núi 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, cơ sở hạ tầng vùng sâm được đầu tư, nâng cấp, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. 
Tuy nhiên, việc quản lý quá trình sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh của các địa phương còn nhiều hạn chế (chưa hình thành và kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra); sản phẩm sâm Ngọc Linh được đưa ra thị trường còn ít, chưa có nhiều sản phẩm chế biến, giá thành còn cao, chỉ có số ít người có điều kiện mới sử dụng được sâm Ngọc Linh. Tình trạng sâm Ngọc Linh giả chưa khắc phục triệt để. Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” đã được bảo hộ, nhưng chưa hoàn thiện các công cụ, biện pháp quản lý, sử dụng. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh  chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng thương hiệu, bảo vệ và nâng cao chất lượng sản phẩm (công bố chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, HACCP, VietGAP…). Công tác marketing sản phẩm sâm Ngọc Linh còn yếu; cơ chế chính sách bảo đảm cho việc bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh chưa đồng bộ, nên phần nào làm cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh thời gian qua còn gặp khó khăn, thiếu tính bền vững.
Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Sâm Ngọc Linh và các cây dược iệu quý Việt Nam, ngày 23/2/2022, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu với Viện bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Việc hợp tác giữa hai đơn vị sẽ là điều kiện tốt để nghiên cứu bảo tồn, phát triển bền vững Sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu quý Việt Nam. Đây cũng là cơ hội mới để Sâm Ngọc Linh đứng vững trên thị trường, giúp cho người dân trồng Sam Ngọc Linh có thể thoát nghèo, vươn lên làm giầu chính đáng. Tại cuộc gặp các lãnh đạo của Viện Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa, ông Võ Kim Cự cũng đã đặt vấn đề sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa để truyên truyền phổ quát các giá trị của Sâm Ngọc Linh nhằm khẳng định tác dụng to lớn của một sản phẩm thiên nhiên phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đây cũng thực sự là một đóng gớp quan trọng cho bảo tồn và phát triển những thành tựu văn hóa trồng trọt và văn hóa chăm sóc sức khỏe cộng đồng, dân tộc.
Sự hợp tác trong nghiên cứu và phổ biến các giá trị của Sâm Ngọc Linh giúp  cùng nhau trao đổi thông tin, tổ chức các hội thảo khoa học, xây dựng quy trình sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm, quảng bá các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh tạo nên sản phẩm đặc hữu của quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với sự hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu, sản xuất và quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh, cây sâm Ngọc Linh sẽ có những bước đột phá xa hơn, không chỉ dừng lại ở khu vực nội địa.
Sự có mặt của Viện bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh sẽ đáp ứng kịp thời và phát huy tốt vai trò của  công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào phục vụ đời sống xã hội, bảo tồn các sản phẩm thiên nhiên quý hiếm, các thành tựu văn hóa trồng trọt và chăm sóc sức khỏe cộng đồng của người Việt.  Cũng cần nói thêm rằng, với người đứng đầu là ông Võ Kim Cự- Một con người có nhiều tố chất nổi trội, với tính cách quyết liệt, luôn năng động sáng tạo, đi đầu trong mọi công việc sẽ vượt qua mọi khó khăn,  chắc chắn Viện bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh sẽ thành công
Việc bảo tồn phát huy giá trị của cây Sâm Ngọc Linh, đưa  Sâm Ngọc Linh  thành “quốc bảo” hy vọng  tạo một cú huých mới trong ngành dược liệu và thực phẩm chức năng của Việt Nam, hiện đang là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc…
 

          PGS.TS. Nguyễn Trung Minh (Bảo tồn Thiên nhiên) và ThS. Võ Kim Cự (Viện bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh)  ký Bản thỏa thuận hợp tác.

Tin khác