MỐI QUAN HỆ CHỦ LƯU GIỮA HỌ HỒ HÀ TĨNH VỚI HỌ HỒ YÊN THÀNH, QUỲNH LƯU VÀ CÁC HUYỆN THỊ BẮC NGHỆ AN

TS Hồ Bất Khuất Nguyên Cán bộ giảng dạy ĐH Vinh ---------------------------------- Tại Hội thảo khoa học HỌ HỒ HÀ TĨNH TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ VĂN HÓA DÂN TỘC do Viện Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tổ chức tháng 8 năm 2023, một trong số những báo cáo khoa học gây nhiều sự chú ý trong giới nghiên cứu và những người quan tâm đến văn hóa và lịch sử các dòng họ là công trình của TS Hồ Bất Khuất về “Mối quan hệ chủ lưu giữa họ Hồ Hà Tĩnh với Họ Hồ Quỳnh Lưu và các huyện thị Bắc Nghệ An”.

….
                  HỌ HỒ VIỆT NAM – NHỮNG ĐIỀU ĐÃ ĐƯỢC KHẲNG ĐỊNH
Họ Hồ là một trong những dòng họ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Về lịch sử hơn 1.000 n của họ Hồ Việt Nam, còn nhiều điều cần phải nghiên cứu để làm sáng tỏ thêm, nhưng cũng đã có nhiều điều đã được khẳng định, nghĩa là những điều mà hầu hết các học giả cũng như người dân bình thường đều công nhận. Để hiểu rõ thêm vị trí, vai trò, ý nghĩa của họ Hồ Việt Nam đối với nước Việt Nam, chúng ta đặt họ Hồ trong mối tương quan với các dòng họ khác ở Việt Nam.
Trong cuốn “Họ và tên người Việt Nam” in lần thứ nhất (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội - 1992), thống kê được 769 họ, trong đó người Kinh có 164 họ. Trong bản in lần thứ ba (năm 2005), số dòng họ đã tăng lên đáng kể, thống kê được 1020 họ, trong đó số họ của người Kinh là 165.
Như vậy, chỉ các dòng họ của các dân tộc thiểu số là được phát hiện thêm nhiều, còn các dòng họ của người Kinh cơ bản là ổn định. Điều này chứng tỏ các dòng họ của người Kinh đã có từ lâu và không tăng lên mặc dù hiện tượng nhiều người đổi từ họ này sang họ khác xẩy ra khá phổ biến. Trong chế độ phong kiến, việc đổi họ vì thời thế vẫn xẩy ra thường xuyên để được yên ổn, để được chở che, để được thăng tiến… Không phải ngẫu nhiên mà họ Nguyễn là dòng họ đông người nhất là Việt Nam, chiếm tới 38,4 % dân số cả nước. Lý do là triều đại nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Dòng họ này trị vì suốt 143 năm, từ năm 1802 đến năm 1945.
Tiếp theo là họ Trần, chiếm 11%. Đứng thứ ba là họ Lê với 9%... Họ Hồ chiếm 1,3% dân số, đứng thứ 11. Số người họ Hồ Việt Nam hiện nay có khoảng 1,3 triệu người, sinh sống ở hầu hết 63 tỉnh thành của cả nước. Trong số gần 5 triệu người Việt Nam sống ở nước ngoài (Việt kiều và người Việt xa xứ), người họ Hồ cũng chiếm một tỷ lệ kha khá. Về số lượng người, họ Hồ chỉ đứng thứ 11 trong 1020 dòng họ của Việt Nam nhưng những đóng góp cho việc phát triển đất nước của họ Hồ nổi bật và rất có ý nghĩa, kể cả trong quá khứ và hiện tại.
Người khởi nguyên họ Hồ Việt Nam là trạng nguyên Hồ Hưng Dật. Câu đối : “Tích giang thử địa ngô tiên thế/Hoan Diễn do tồn ức vạn niên” ở cụm đền thờ họ Hồ Tam Công nói rõ về nguồn gốc của Thủy tổ Hồ Hưng Dật. Quốc sử cũng nói về điều này, mà cụ thể là Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) cũng đã ghi nhận Hồ Hưng Dật là Thủy tổ họ Hồ Việt Nam. Ở phần nói về Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương, trong ĐVSKTT viết: “Hồ Quý Ly tên tự là Lý Nguyên, tự suy tổ tiên là Hồ Hưng Dật vốn người Chiết Giang, đời Hậu Hán thời Ngũ Quý (1273)* sang làm Thái thú Diễn Châu. Sau đó, làm nhà ở hương Bào Đột châu này, rồi là trại chủ. Đến đời Lý, [có người] lấy công chúa Nguyệt Đích, sinh ra công chúa Nguyệt Đoan, đến đời cháu thứ 12 là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Thanh Hóa, làm con nuôi tuyên úy Lê Huấn, từ đấy lấy Lê làm họ mình. Quý Ly là cháu bốn đời của Huấn…”(ĐVSKTT, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội - 1993, Quyển 8: Phế Đế, Thuận Tông, Thiếu Đế, Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, bản PDF)
* ĐVSKTT giải thích: “Ngũ Quý - còn gọi là Ngũ Đại, giai đoạn lịch sử Trung Quốc gồm 5 triều đại: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu. Hậu Hán (947 - 950) là tên một triều đại do Lưu Tri Viễn lập ra kế tiếp triều đại Hậu Tấn, đặt quốc hiệu là Hán, nên đời sau gọi là Hậu Hán”. (ĐVSKTT, sđd). Qua đây, chúng ta hiểu rằng, giai đoạn này là giai đoạn loạn lạc, các chính quyền trung ương của nhà nước phong kiến phương Bắc thời Ngũ Đại không kiểm soát hết được các vùng đất ở xa. Giai đoạn này ở giải đất phương Nam (Việt Nam ngày nay) cũng có nhiều biến động. Ngô Quyền làm nên chiến thắng Bạch Đằng lẫy lừng, xưng đế nhưng cũng chỉ nắm quyền trong thời gian ngắn ngủi. Sau đó, nhiều thế lực tranh giành quyền bính, dẫn đến loạn 12 sứ quân. Trong điều kiện như vậy, Hồ Hưng Dật đã không bị quản lý nữa, ngài tự do hoạt động, tự do định đoạt việc mình làm gì, ở đâu… Ngài lui về làm trại chủ, củng cố đại gia đình, sinh con, chăm cháu, dạy học, trồng trọt, chăn nuôi… Con cháu của ngài đông đúc, tỏa đi các nơi; dòng họ Hồ phát triển mạnh mẽ, góp phần có ý nghĩa vào sự phát triển đất nước. Gia phả họ Hồ nhấn mạnh 8 chữ “Châu trung Hồ tính giai kỳ miêu duệ", nghĩa là người họ Hồ trong châu này đều là con cháu ngài. Có thể khẳng định: Trạng nguyên Hồ Hưng Dật là Thủy tổ họ Hồ duy nhất ở Việt Nam chứ không riêng vùng Châu Diễn.
Tộc phả dòng họ Hồ bị thất truyền mất 10 đời, từ đời thứ 2 đến đời thứ 12 (khoảng 300 năm). Thất truyền là ghi chép chính thức của tộc phả không giữ lại được, còn các nguồn khác như quốc sử, sắc phong, mộc bản, câu đối ở các đền, chùa… còn ghi lại, dù không đầy đủ. Dưới thời phong kiến, có hai triều đại người họ Hồ đứng đầu. Đấy là Hồ Quý Ly và Hồ Thơm. Sau khi họ bị lật đổ, không chỉ thân quyến của họ bị tàn sát, mà người họ Hồ cũng bị vạ lây, bị làm khó dễ. Đặc biệt, những ghi chép liên quan đến họ Hồ bị tàn phá, tiêu hủy. Trong điều kiện như vậy, việc nghiên cứu để chắp nối liền mạch lịch sử phát triển họ Hồ là vô cùng khó khăn.
Việc 10 đời thất phả là đáng tiếc nhưng nó lại mở ra cho những người thích nghiên cứu, tìm tòi nhiều điều hứa hẹn. Điều này khích lệ chúng ta vì những điều sẽ được phát hiện rất thú vị và có giá trị.
Trong 10 đời thất phả, dò tìm trong quốc sử, tìm được một số ông là các đời thứ 3, thứ 4, thứ 5… Đó là ông Hồ Thông, một tướng tài của nhà Đinh là đời thứ 3 (bố ông là Hồ Minh là đời thứ 2).
Thời nhà Lý, một người có tên là Hồ Đức Cưỡng; ông là phò mã nhà Lý, lấy công chúa Kiều Oanh được xem là đời thứ 5 hoặc thứ 6. Điều này quốc sử và gia phả một số chi họ cũng đã đề cập.
Thời Trần có những chuyện liên quan đến người họ Hồ. Ngọc phả chùa Bảo Tháp (Di tích lịch sử văn hoá đã xếp hạng ngày 28-9-1990 tại làng Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) ghi: “Vị thiền tăng trụ trì họ Hồ tên là Bà Lam. Nhà sư chân tu đắc đạo, ngài thiết đàn hoả thiêu và hoá vào ngày 14-4 âm lịch. Nhân dân thương tiếc ...". (Website Di tích Lịch sử - Văn hóa Hà Nội).
Điều chúng ta quan tâm là vị cao tăng Hồ Bà Lam thuộc họ Hồ tông phái Thanh Hóa tông phái Nghệ An? Bởi theo sử sách, vị cao tăng này có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của đạo Phật ở Việt Nam.
Một người họ Hồ nữa đến tu tại chùa Bảo Tháp là bà Minh Từ Hoàng Thái hậu Hồ Thuận Nương. Theo sử sách, bà sinh năm 1301, người huyện Diễn Châu, Nghệ An, lấy vua Trần Minh Tông, sinh ra hai con đều làm vua (Trần Hiến Tông, Trần Nghệ Tông). Trong chùa còn giữ được nguyên bản 32 đạo sắc (chủ yếu của miếu Minh từ), cuốn ngọc phả, tấm bia đá năm Quang Thái thứ 3 thời Trần Thuận Tông (1390), bia gỗ “Mộc Bản” khắc bài ký về việc sửa chữa chùa năm Bảo Thái thứ 7 (1726). Ngoài ra, còn có quả chuông đồng đúc thời Gia Long (1813) cao 1,15m và khánh đồng đúc thời Thiệu Trị (1843) với kích thước 1,1m,x 1,36m và nhiều bảo vật khác”. (Website đã dẫn).
Từ đời thứ 12 tới nay (khoảng trên 40 đời tính từ Thủy tổ Hồ Hưng Dật), gia phả các chi, tiểu chi họ Hồ trên toàn đất Việt Nam có rất nhiều, cố gắng ghi chép trung thực về các sự kiện, con người nhưng chắc chắn không thể đầy đủ và khó chính xác hoàn toàn. Chính vì vậy, những người nghiên cứu lịch sử họ Hồ cần so sánh, đối chiếu, suy luận logic để những kết luận có sức thuyết phục.
Trạng nguyên Hồ Tông Thốc là một nhân vật nổi bật ở triều Trần nên được quốc sử nói đến nhiều và ghi chép khá đầy đủ. Chúng ta nên căn cứ vào những ghi chép về trạng nguyên Hồ Tông Thốc để tìm ra năm sinh và thế thứ của ông Hồ Cao, Hồ Hồng, Hồ Kha, dù không chính xác tuyệt đối nhưng phải hợp lý. Về năm sinh, năm mất của trạng nguyên Hồ Tông Thốc gần như đã được xác định là năm 1324 và 1404. Đây có thể là những mốc thời gian quan trọng để chúng ta suy xét, sắp xếp những sự kiện liên quan đến họ Hồ một cách hợp lý.
Quốc sử có nhiều trang liên quan đến họ Hồ, đến những sự kiện oai hùng bi tráng. Đó là những trang sử về Hồ Quý Ly, về Hồ Thơm – Nguyễn Huệ - Quang Trung. Từ sau Cách mạng tháng 8/1945 đến nay, lịch sử đã ghi nhận những đóng góp to lớn của người họ Hồ cho đất nước Việt Nam. Điều này không chỉ nhân dân Việt Nam biết, mà nhân dân nhiều nước trên thế giới cũng ngưỡng mộ.
             SỰ XUẤT HIỆN VÀ PHÁT TRIỂN HỌ HỒ HÀ TĨNH
Trong kỷ yếu hội thảo đã có nhiều tham luận cụ thể đề cập đến sự xuất hiện và phát triển của họ Hồ sống ở Hà Tĩnh, vì vậy ở đây tôi chỉ nêu tổng quát để làm cơ sở phân tích mối quan hệ chủ lưu của các chi họ Hồ Hà Tĩnh với họ Hồ  Nghệ An.
Theo phán đoán của tôi, một số chi họ Hồ xuất hiện ở Hà Tĩnh rất sớm, có thể do các ngài hậu duệ của Thủy tổ Hồ Hưng Dật ở các đời thất phả lập nên. Phán đoán này dựa vào những cơ sở sau đây: 1. Tương truyền, khi ngài Hồ Hưng Dật được sinh ra, một vị đạo sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ nói với thân sinh của ngài đại ý: Con người vừa được sinh ra có sứ mệnh lớn ở phương Nam vì vậy cuộc sống và sự nghiệp sẽ gắn với vùng đất đó. Do vậy, khi đến Hoan Châu, ngài Hồ Hưng Dật có ý thức về việc tạo ra sinh lực, vật lực, trí lực để khai phá vùng đất phương Nam – nơi ngài định cư và dường như có sứ mệnh phát triển. Điều này được khẳng định thêm khi mới đây những người nghiên cứu lịch sử họ Hồ Việt Nam phát hiện ra cha con ông Hồ Minh, Hồ Thông (đời thứ hai và thứ ba – con và cháu của ngài Hồ Hưng Dật) tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Đây là điều rất bất ngờ vì địa điểm này khá xa nơi ngài Hồ Hưng Dật làm Thái Thú và sau đó làm trại chủ. Nhưng với ngài Hồ Hưng Dật, chuyện có nhiều con, nhiều cháu là điều không có gì lạ.
Việc phát hiện ra cha con ngài Hồ Minh, Hồ Thông hé lộ về những đời thất phả của họ Hồ Việt Nam. Hơn thế nữa, những tư liệu này còn gợi mở nhiều vấn đề những người con của Thủy tổ Hồ Hưng Dật. Có cảm giác những con, cháu, chắt… (đời thứ 2, thứ 3, thứ 4…) của ngài Hồ Hưng Dật đã lập nghiệp ở một số tỉnh, thành Việt Nam mà chúng ta chưa phát hiện ra, trong đó Hà Tĩnh là địa bàn có nhiều khả năng nhất.
ĐVSKTT có nhắc đến một người liên quan đến vùng đất Hà Tĩnh. Người này có thể thuộc những đời thất phả. Trong ĐVSKTT có ghi: “Mùa thu, tháng 7 năm Kỷ Dậu (1009) vua Lê Long Đỉnh (vua Ngọa Triều nhà Tiền Lê) đích thân đi đánh các châu Hoan Đường (tên châu đời tiền Lê, nay thuộc đất các huyện Nam Đàn, Anh Sơn, Đô Lương, tỉnh Nghệ An), Thạch Hà (thuộc Hà Tĩnh ngày nay). Đến Hoàn Giang (sông chảy ra cửa Sót), sai Phòng át sứ là Hồ Thủ Ích đem hơn 5 nghìn quân của châu Hoan Đường, sửa chữa đường từ sông Châu Giáp (chưa rõ sông nào, ở đâu) đến cửa biển Nam Giới (cửa Sót) để quân đi cho tiện”. (ĐVSKTT - tập I, sđd). Trong NTSHH-HBH có viết: “Hồ Thủ Ích sinh khoảng trước năm 985”. Với khoảng năm sinh như vậy, ông Hồ Thủ Ích rất có thể là cháu nội (đời thứ 3) của Thủy tổ Hồ Hưng Dật. Như vậy, rất có thể ông Hồ Thủ Ích sinh ra và lập nghiệp ở vùng đất Hà Tĩnh; nếu ông không sinh ra ở đây thì cũng đã cầm quân đánh giặc ở nơi này.
Hà Tĩnh và Nghệ An không chỉ là hai tỉnh lân cận, mà còn có quan hệ mật thiết với nhau, có nhiều phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa sinh hoạt giống nhau. Điều kiện xã hội và tự nhiên của vùng đất từ sông Lam đến đèo Ngang hấp dẫn nên thu hút những người có máu phiêu cư đến đây định cư. Đối với những người họ Hồ, vùng đất này đặc biệt hấp dẫn.
Thực tế chỉ ra rằng, nhiều chi họ Hồ ở Hà Tĩnh đã tồn tại từ lâu đời, nhiều chi họ đã kết nối được với gốc tổ ở Quỳnh Lưu. Một số chi họ khác, dù chưa kết nối được với gốc tổ ở Nghệ An nhưng các chi họ đó đều tự nhận nguồn gốc của mình là từ Nghệ An, dù chưa tìm ra gốc gác của ông tổ của chi họ. Cơ sở để họ làm như thế là ở Việt Nam duy nhất có một họ Hồ, Nguyên tổ là ngài Hồ Hưng Dật.
Sau khi hai trung tâm họ Hồ ở Nghệ An là Quỳnh Lưu và Yên Thành phát triển mạnh, đỗ đạt cao và có nhiều di duệ phiêu cư đi nhiều nơi thì đã có một số chi họ Hồ ở Hà Tĩnh có ghi chép nguồn gốc rõ ràng.
Họ Hồ Việt Nam đã trải qua hơn 1.000 năm tồn tại và phát triển với hơn 40 đời; họ Hồ Hà Tĩnh chắc chỉ kém vài chục năm và vài ba đời. Ngày nay, trên đất Hà Tĩnh có hàng chục chi, tiểu chi họ Hồ với hàng chục ngàn người đang sinh sống. Họ cảm thấy mình gắn bó, thân thiết với gốc tổ họ Hồ ở Nghệ An, đấy có thể là họ Hồ Quỳnh Lưu, họ Hồ các huyện, thị Bắc Nghệ An, họ Hồ Yên Thành, họ Hồ Diễn Châu… Những quan hệ huyết thống cụ thể đã, đang và sẽ được thiết lập. Hoạt động này nằm trong quan hệ chủ lưu của họ Hồ Hà Tĩnh với gốc tổ họ Hồ Việt Nam.
            QUAN HỆ CHỦ LƯU CỦA HỌ HỒ HÀ TĨNH VỚI GỐC TỔ HỌ HỒ
Gốc tổ họ Hồ Việt Nam ở Nghệ An là điều không phải bàn cãi, cho dù là ở Quỳnh Lưu hay Yên Thành. Quỳnh Lưu xưa khác Quỳnh Lưu nay, Yên Thành xưa cũng khác Yên Thành nay, còn sự linh thiêng của gốc tổ họ Hồ Việt Nam thì không thay đổi.
Họ Hồ Hà Tĩnh gần gũi thân thiết với họ Hồ Nghệ An nói chung, với họ Hồ Quỳnh Lưu và họ Hồ các huyện, thị khác của Nghệ An nói riêng. Cách đây hàng trăm năm, những người đàn ông họ Hồ ở Quỳnh Lưu hình như có máu phiêu cư trong người, họ lần lượt giã từ quê hương, bản quán để đến nơi khác lập nghiệp, tạo nên những chi họ Hồ ở khắp mọi nơi.
Bác Hồ Xuân Anh – một người đầy nhiệt huyết và có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu lịch sử họ Hồ đã dựa vào “Hồ Tông Thế Phả”, lập danh sách các cụ phiêu cư. Theo bác Hồ Xuân Anh, danh sách này “là 1 phần rất nhỏ, là "phần nổi của tảng băng chìm" mà thôi”. Danh sách này tính từ cụ Hồ Hân là đời 1, các cụ phiêu cư theo địa danh có trước năm 1783. Trong danh sách này có 268 cụ, đời xa nhất là đời thứ 7, đời gần nhất là đời thứ 18. Như vậy là chỉ trong 12 đời, trong 5 chi họ Hồ ở Quỳnh Lưu đã có 268 cụ phiêu cư đi khắp nơi, trong đó Hà Tĩnh là nơi nhiều cụ đến.
Có thể kể thêm rất nhiều chi, tiểu chi họ Hồ ở khắp Hà Tĩnh. Song, tôi muốn lưu ý tìm hiểu thêm để có thể kết nối những chi họ Hồ mà trong “Hồ Tông Thế Phả”, “Hồ Gia Hợp Tộc Phả Ký”, “NTSHH HBH” chưa thấy nhắc tới.
-   Có một nhân vật lịch sử ở Hà Tĩnh là Hồ Văn Hoa hầu như chưa được sử sách nhắc đến trước đây. Nhưng ngày 06/02/2020 trên Website của Bảo tàng Hà Tĩnh, ở phần “Nghiên cứu khoa học” có đăng bài “Hồ Văn Hoa” của Trần Phi Công. Bài báo cho biết: Hồ Văn Hoa sinh ra ở Phương Mỹ - Hương Khê – Hà Tĩnh vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII. Khi ba anh em Tây Sơn khởi nghĩa, Hồ Văn Hoa tìm vào Bình Định gia nhập đội quân Tây Sơn. Trong chiến dịch thần tốc tiến quân ra Bắc năm Kỷ Dậu (1789), Hồ Văn Hoa giúp Nguyễn Huệ tuyển mộ hàng vạn binh hùng tướng mạnh ở Nghệ Tĩnh. Ông có công lao lớn và trung thành với Tây Sơn. Sắc phong ngày 15 tháng 8 năm thứ 8 niên hiệu Cảnh Thịnh (1801) có ghi lại sự tín nhiệm và công tích của ông.
Sắc phong này đã nói rõ công lao của Hồ Văn Hoa. Sau khi Hồ Văn Hoa mất, nhân dân quê hương nhớ tới ông, đưa ông về tế ở thái miếu Thổ Hoàng – Phương Mỹ. Đến đời vua Thành Thái năm thứ 6 (1895), đền thờ ông được xây tại xã Phương Mỹ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đền thờ hư hại nặng, bà con trong dòng họ rước ông về thờ tại nhà thờ họ Hồ Đức trong xã.         
-   Trang thông tin điện tử xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có bài viết “Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ học Hồ Dao” đăng ngày 7/02/2023. Tác giả bài viết là Hồ Văn Tiến. Bài viết khá chi tiết (kèm theo ảnh) về nhà thờ họ Hồ Dao. Bài viết cho biết: “Họ Hồ thôn Hồng Lam (Xuân Giang, Nghi Xuân) là một nhánh của họ Hồ ở Hoàn Hậu, Phủ Diễn, Nghệ An vào. Sau khi tạo dựng nên chi họ Hồ ở đây khá đông đúc, đến năm Giáp Thìn (1724) chi họ này xây nhà thờ. Nhà thờ hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Nhà tứ trụ, chiều dài 6m50, cột cao 2m30, cột cái cao 3m10, gian giữa rộng 2,9 m hai gian hai bên rộng 1,6 m, xà, hạ, rui, mè đều là gỗ lim.”. (Cổng thông tin điện tử xã Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Trong nhà thờ có còn lưu giữ một số sắc phong và nhiều câu đối trên tường, trên cột. Hai cột ngoài giữa có đôi câu đối: “Anh hùng chấn cổ Lê chân tướng/Ba cổn vinh kim Nguyễn phúc thần”. Nghĩa là: “Anh hùng xưa vang, nhà Lê phong danh tướng/Gian khổ nay vinh, nhà Nguyễn phong phúc thần”. Điều này chứng tỏ người của chi họ Hồ Dao đã phục vụ cho triều đình nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn. Trong nhà thờ còn có sắc phong của vua Thành Thái năm thứ 13 (1901), vua Duy Tân năm thứ 3 (1919), vua Khải Định năm thứ 9 (1924). Do có công lớn với dân với nước, nên sau khi mất dân làng lập đền thờ gọi là đền. Nay còn 3 đạo sắc, một áo đại trào vua ban để mặc khi vào chầu vua.
-   Một số nhà nghiên cứu vẫn băn khoăn khi xác định chi họ Hồ Song Nhã
(xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) có vị thỉ tổ là Hồ Lương (có nơi ghi là Hồ Lành) có nguồn gốc từ họ Hồ Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu  hay họ Hồ Thọ Thành, Yên Thành? Việc chi họ này di dời từ Cương Gián (nay là xã Xuân Song, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lên Lai Khê, tổng Võ Liệt, tỉnh Nghệ An thì rõ rồi. Còn những thế hệ trước nữa từ đâu vào Cương Gián thì chưa được rõ ràng lắm. Dựa vào những sự kiện và nhân vật lịch sử, tôi cho rằng, họ Hồ Cương Gián có nguồn gốc từ họ Hồ Quỳnh Lưu.
-   Thứ nhất: Ông Hồ Sĩ Tạo(1841-1907), Giải nguyên 1868, thi hội đậu
 Tam trường 1871. Ông là một người nổi tiếng thông minh, tiết tháo thời bấy giờ. Cụ Phan Bộ Châu từng nói với học trò là “Hồ Sĩ Tạo là con Rồng, còn bản thân Phan Bội Châu chỉ là con Rắn”. Ông Võ Hồng Hải (Tiến sĩ, nguyên Giám đốc sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, nguyên Bí thư đảng bộ huyện Thạch Hà, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Hà Tĩnh) viết: “Chi ở Lai Nhã sinh ra cử nhân Hồ Sĩ Tạo, đỗ Giải nguyên, từng làm Tri phủ Quảng Trạch, Quảng Bình; khi chưa ra làm quan, cụ Tạo từng dạy học ở thôn Hoàng Trù, huyện Nam Đàn. Năm Tự Đức thứ 20 (Đinh Mão, 1867), Giải nguyên Hồ Sĩ Tạo cùng với các vị gốc họ Hồ Cương Gián như Tri huyện Bình Lục Hồ Sĩ Diện, cử nhân Hồ Sĩ Tuấn, cử nhân Hồ Nhạ Cát hành hương về thăm nhà thờ họ lớn, làm lễ cáo yết tổ tiên, làm văn và câu đối để lại lưu niệm. Bài văn do Hồ Sĩ Tạo chấp bút, có đoạn: “Chi của các cháu ở làng Thái Nhã, huyện Thanh Chương là chi thuộc cửa thứ… Khoảng đời Lê Dụ Tôn vị tiên tổ chi họ Thái Nhã là từ làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân đến đây vun nền đắp móng, ra công khó nhọc mới có được như ngày nay... Nay có một lễ mọn đơn sơ dâng hiến, mong thấu lòng thành. Mười đời về trước có còn thấu chăng? Ôi, xanh xanh Hồng Lĩnh cây đá như xưa; Dằng dặc sông Kèn nguyệt hoa nghìn thuở…”. (Báo Hà Tĩnh, ngày 02/02/2019).
Trong lần về thăm nhà thờ ở Cương Gián lần đó, ông Hồ Sĩ Tạo đã để lại đôi câu đối: “Trâm anh nhất phổ Quỳnh Đôi trụ /Hương hoả thiên thu cổ nguyệt đường”. Như vậy, từ năm 1867, ông Hồ Sĩ Tạo đã biết gốc tổ của mình là họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An.
-   Thứ hai: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862 -1929) là con
của bà Hà Thị Hy. Khi còn rất trẻ (khoảng 20 tuổi), ông Hồ Sĩ Tạo được ông Hà Văn Cẩn là bố bà Hy mời về ở trong nhà dạy học. Ông Tạo và bà Hy có tình cảm với nhau nhưng bố ông Tạo không cho ông Tạo cưới vợ khi chưa đỗ đạt, chưa có công danh sự nghiệp gì. Ông Tạo đành bỏ dạy học ở đó và về thi cử để xây dựng sự nghiệp. Ông Tạo đi rồi, bà Hy lấy ông Nguyễn Sinh Nhậm và sinh ra Nguyễn Sinh Sắc. Tuy ông Sắc sinh ra trong nhà họ Nguyễn nhưng theo dư luận lúc bấy giờ, ông Sắc mang dòng máu của ông Tạo. Đây là một vấn đề rất tế nhị và nhạy cảm. Trong dân gian người ta nói nhiều và nói khá tường tận, còn trên báo chí thì nói khá e dè. Nhưng trong nội bộ họ Hồ chúng ta, có thể nói rõ ràng như vậy.
Năm Quí Mão (1903), cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã đưa 2 con là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung về Quỳnh Đôi ở nhà cử nhân Hồ Sĩ Tư (ông nội của ông Hồ Viết Thắng) khoảng 1 tháng. Trong khoảng thời gian đó, cụ Sắc và hai con còn làm quen với nhiều người họ Hồ ở Quỳnh Đôi. Khi rời Quỳnh Đôi, cụ Sắc bảo 2 con cùng mình ngoảnh lại vái làng Quỳnh ba vái. Nay ngôi nhà cũ của cử nhân Hồ Sĩ Tư đã có tấm bia kỷ niệm ông Sắc và hai con đã về ở đây.
Về sự kiện này, có nhiều người viết và kể lại. Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu (con trai ông Hồ Viết Thắng) đã tái hiện trong tiểu thuyết “Cuốn gia phả bị thất lạc”. Tất cả những sự kiện trên chứng minh là ông Nguyễn Sinh Sắc đã biết mình là dòng dõi họ Hồ nên 120 năm trước đã đưa các con về gốc Tổ Quỳnh Đôi. Khi ông đi bước nữa, sinh con, ông cho con mang họ Hồ. Con của đời vợ sau ông Sắc sinh năm 1927 có họ tên đầy đủ là Hồ Chí Nghĩa.
-   Thứ ba, khi tôi làm việc ở Tạp chí Cộng sản, khi tiếp xúc với nhóm biên soạn tiểu sử biên niên của Hồ Chí Minh, tôi nêu câu hỏi: “Sau hơn nửa thế kỷ xa quê, năm 1957, Bác Hồ về thăm quê, tại sao Bác lại thăm Hà Tĩnh trước Nghệ An? Trong khi đó, từ Hà Nội về, qua đất Nghệ An mới đến Hà Tĩnh)… Cụ thể, Bác Hồ thăm Hà Tĩnh vào ngày 15/6/1957, ngày hôm sau 16/6/1957, Bác mới thăm Nghệ An.”. Đại diện của nhóm này nói: “Câu hỏi rất bất ngờ và lý thú. Những người có thể trả lời chính xác câu hỏi này là bản thân Bác Hồ và có thể là những người đi cùng như đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ông Trần Quốc Hoàn… Song, tất cả đã vĩnh viễn đi xa nên chúng ta phải tự nghiên cứu để trả lời câu hỏi này thôi”.  
Với riêng tôi thì trong quá trình tìm hiểu lịch sử họ Hồ, tôi đã tìm ra câu trả lời. Đó là Bác Hồ đã biết gốc họ Hồ của mình xuất phát trực tiếp từ họ Hồ Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh nên Người quyết định thăm Hà Tĩnh trước.
Tình cảm của những người họ Hồ hà Tĩnh dành cho những người họ Hồ Nghệ An nói chung, họ Hồ Quỳnh Lưu nói riêng là rất sâu sắc. Cách đây khoảng gần 10 năm, tôi ghé thăm Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Khi biết tôi là người họ Hồ Quỳnh Lưu, cô thuyết minh ở đó reo lên: “Ôi, thế anh là người cùng họ Hồ với sếp của em. Hay quá!”. Sau đó, tôi biết Giám đốc Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du là ông Hồ Bác Khoa, thuộc chi họ Hồ huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tôi có nói chuyện với ông Khoa. Ông cho biết là chi họ của mình cũng chưa kết nối được với gốc tổ nhưng luôn đau đáu nghĩ về điều đó.
Những năm gần đây, người họ Hồ Hà Tĩnh trong những dịp lễ, Tết, giỗ tổ… thường ra Quỳnh Lưu, Yên Thành để thắp hương. Họ cho biết, trong những ngày đó, luôn luôn có sự thúc giục trong nội tâm là phải tìm về cội nguồn của dòng họ Hồ. Trong lễ tôn vinh và hội thảo khoa học quốc tế về Hồ Xuân Hương ở TP Vinh (cuối năm 2022), nhiều người họ Hồ Hà Tĩnh tìm cách tham dự các sự kiện này. Hơn thế nữa, họ còn ra tận Quỳnh Đôi để thắp hương cho Bà chúa thơ Nôm. Đây là cách thể hiện tình cảm của từng cá nhân nhưng lại là xu hướng đại diện cho những người họ Hồ Hà Tĩnh.

Tin khác