TÌM HIỂU TRI THỨC DÂN GIAN VỚI VĂN HÓA NGƯỜI HÀ TĨNH

Những giá trị văn hóa và tinh thần, những ý tưởng sáng tạo từ mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên; mối quan hệ giữa cá nhân trong xã hội, từ cộng đồng dòng họ, bản làng đến cấp quốc gia đều có vai trò của văn hóa là “sức mạnh mềm” thúc đẩy sự phát triển.

TS Đặng Duy Báu

 
Văn hóa là nguồn lực để cấu thành sức mạnh truyền từ đời này sang đời khác của một cộng đồng, một dân tộc. Ngày nay có được những thành tựu trên các lĩnh vực, trong đó có thành tựu của khoa học công nghệ mang đặc trưng của thời đại cũng xuất phát từ những phát minh, những sáng tạo của con người. Đó cũng là sản phẩm của văn hóa.
Những giá trị về tư tưởng chính trị đều gắn liền với với sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, đều là những giá trị có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa. Có thể nói những giá trị văn hóa và tinh thần, những ý tưởng sáng tạo từ mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên; mối quan hệ giữ cá nhân trong xã hội, từ cộng đồng dòng họ, bản làng đến cấp quốc gia đều có vai trò của văn hóa là “sức mạnh mềm” thúc đẩy sự phát triển.
Việt Nam phải thường xuyên đối đầu với các thế lực ngoại xâm mạnh hơn gấp bội, cha ông ta đã dựa trên nền văn hóa dân tộc, phát triển và phát huy để tạo nên sức mạnh cộng đồng, tìm ra cách thức xử lý phù hợp cả trong kháng chiến chống ngoại xâm lẫn trong chống chọi với thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Từ một quốc gia nhỏ bé, lạc hậu bị thực dân xâm lược đã trở thành ngôi sao trong cuộc chiến đấu với những chiến thắng trước những kẻ thù hùng mạnh; tự lập tự chủ xây dựng đất nước đi lên từ nghèo đói vượt qua những thăng trầm, tìm ra con đường phát triển với khát vọng hùng cường, thịnh vượng “sánh vai cùng cường quốc năm châu”.
Ở một vùng đất vốn là “phên dậu” của đất nước, lại bị thiên tai khắc nghiệt “chớp biển mưa ngàn, nắng đỏ trời mưa thối đất”, với các di chỉ tìm thấy chứng tỏ vùng đất Hà Tĩnh từ thời Vua Hùng dựng nước Văn Lang đã có tên là Cửu Đức, cư dân sống ở cộng đồng gồm các kẻ ở đồng bằng, nguồn ở miền núi, vạn ở ven biển tiếp nối từ bao đời từ nền văn hóa cổ đại đến các thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, Sơn Vi, Hòa Bình, Quỳnh Văn…Có thể nói người muôn nơi đã tụ về Hà Tĩnh gắn kết, đùm bọc yêu thuơng nhau trong cuộc sống, đã anh dũng bất khuất chống thiên tai địch họa, cần cù siêng năng, sáng tạo vươn lên để tồn tại và đứng vững; đóng góp xứng đáng vào công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình đó, người Hà Tĩnh đã sản sinh và gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc về văn học, nghệ thuật, về phòng tục tập quán… có tầm bác học nhưng lại bắt nguồn từ văn hóa dân gian, đậm đà sắc thái địa phương. Nguồn văn hóa ấy liên tục được sáng tạo, phát huy để ngày nay dù chưa sưu tầm hết nhưng cũng đã khẳng định được tính phong phú và đặc sắc bao gồm tri thức dân gian, văn học dân gian, nghệ thuật dân gian, phong tục tập quán dân gian… Nguồn văn hóa này là mạch nguồn góp phần làm nên truyền thống lịch sử, văn hiến của con người và vùng đất Hà Tĩnh.
Sống trên một giải đất hẹp, thường xuyên bị thiên tai. Gió Tây Nam (gió Lào) khô nóng tràn qua, bão giông biển Đông ập vào; đất đai bị bào mòn, lũ lụt, hạn hán liên tục, người dân Hà Tĩnh phải chịu đựng, phải bươn chải, phải oằn mình chống đỡ với thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Họ không khuất phục mà đã biết cách tìm ra nhiều phương thức để sống chung với thiên nhiên một cách thông minh và hợp lý. Họ đã tích lũy nên vốn tri thức phong phú đa dạng đối với thiên nhiên cũng như trong cuộc sống, tích lũy từ đời này sang đời khác thành tri thức dân gian.
Tri thức dân gian rất phong phú và đa dạng, trong đó tri thức thiên nhiên, là: “Biết sự trời mười đời không đói”. Đã có những bài ca chứa đựng nội dung 24 tiết trời trong Tình ca 24 tiết, có đoạn: “Tiết thanh minh hoa trổ, đến hạ chí chói chang, phơi ló cho khô rong, chất vô kho cho kịp, dè tiểu mãn lũ về…”. Thời tiết mưa nắng ảnh hưởng đến mùa màng, cuộc sống đã được đúc kết để biết trước, để đề phòng. Ở vùng sông biển có Bài ca con nước: “Mồng năm, mười chín, Thìn sinh, Tỵ hồi… Mồng ba, mười bảy Tỵ lại, Ngọ hoàn…”. Vùng núi thì có Nhật trình lên Vũ Quang: “Kẻ Mân, kẻ Quánh ngàn trùng. Rừng sâu rào Trí, rào Trung coi chừng. Kẻ Cồ, kẻ Nắng đã từng. Nào ai ngược đến đêm rừng nhớ cho…”. Những bài ca về phong thổ không chỉ nói về địa lý mà còn nêu những đặc điểm sinh hoạt, ăn ở từng vùng: “Muốn ăn cơm nếp đỗ chà, Muốn hỏi vợ đẹp thì ra Yên Hồ”; “Ai về Cửa Hội quê tôi, cá thu cá nục cá mòi quanh năm”…
Để tồn tại và phát triển trong cộng đồng cần có tri thức ề cuộc sống. Đó là quan niệm về chuẩn mực đạo đức, về triết lý ở đời về quy luật sinh tồn. “Sống gửi thác về”; “Người là hoa của đất”; “Người mần ra của, Của không mần ra người”... Mỗi người có tính nết riêng, tính nết có thể thay đổi nhưng số phận là định mệnh: “Sống mỗi người một nết”; “Sống chết do số định”; “Chữa được bệnh chứ không chữa được mệnh”. Của cải, chức vụ chỉ là nhất thời, dân mới là vạn đại. Sống phải đoàn kết phải dựa vào cộng đồng: “Dại bầy hơn khôn độc”; “Sổng đàn tan nghé”… Quan niệm sống không phải chạy theo giàu sang phú quý mà phải sống sao cho xứng đáng làm người: “Sống nhục không bằng thác vinh”, “Tru chết để da. Người chết để tiếng”. Sống với nhau phải có nghĩa tình, không tham lam, không luồn lọt, gian giảo: “Đói cho sạch. Rách cho thơm”, “Cây cao có trấy chín muồi. Sèm thì chịu vậy của người không tham”… Những tri thức dân gian được đúc kết thành ca dao, tục ngữ súc tích, thành những câu ca điệu ví lan truyền trong dân gian khó mà sưu tầm, trích dịch hết. Mới biết người dân Hà Tĩnh giàu cảm xúc, sống nghĩa tình và có tri thức phong phú.
Khi nói đến vùng đất xứ Nghệ, thì không thể không cảm nhận không nhắc đến kho tàng văn hóa dân gian mang đậm đà bản sắc địa phương được đúc kết và lưu truyền và phát huy dưới dạng thơ ca.
Thơ ca dân gian rất nhiều thể loại. Đơn giản dễ nhớ là “Đồng giao” những bài hát của trẻ con: “Nhảy lò cò. Hò ra rả. Rinh hòn đá. Vá hòn than”..v.v. Ca dao phổ biến thường dùng thể văn lục bát hoặc lục bát biến thể, có khi thể hiện thể văn năm chữ theo lời hát dặm: “Tui lên rú Nhật Lệ. Mự lên rú Báu Đài. Rút cơn mây cho dài. Về ta chẻ mần hai. Nón ta giữ lấy quai. Trùng triềng mô được nữa. Mô trùng triềng được nữa…”. Thể loại ca dao khác là vè, một thể loại văn kể chuyện. Có những bài vè được phổ biến, đặc trưng của xứ Hồng Lam như bài “Phụ tử tình thâm”. Rất nhiều bài vè kết hợp với giặm thành “ví giặm” có giá trị văn chương đi vào lịch sử như: “Chúc thọ vua Tự Đức”, “Ký sương phụ tứ”…
Có thể nói dân ca Nghệ - Tĩnh khá đa dạng, phong phú và gắn với âm nhạc đặc trưng của vùng thông qua các điệu hò, hay ru đặc biệt là hát ví, hát giặm. Ngoài ra còn có hát sắc bùa, hát xẩm, hát nhà tro, hát chèo cạn, hát ả đào… khi nói đến thơ ca dân gian vùng đất Hà Tĩnh thì đặc trưng là ví giặm. Ví giặm trên một nền nhạc vừa mềm mại, vừa du dương, uyển chuyển lại khi khoan, khi nhặt… tùy theo môi trường diễn xướng và thói quen cảm thụ từng vùng mà làn điệu được biến hóa. Ví và giặm có những làn điệu khác nhau, nhưng nói chung “ví giặm” là đặc sản của dân ca Nghệ - Tĩnh đã đi vào lòng người hòa vào cộng đồng, để “tỏ tình, trao duyên”, để “trải lòng mình” đồng cảm cùng nhau, cũng như với thiên nhiên, sông nước. Thế nên ví giặm được các nhà nho, nhà khoa bảng tham gia biên soạn và thể hiện nâng tầm giàu chất trí tuệ như bài: “Thác lời người con gái phường vải” hay “Thác lời con gái phường nón…”, “Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu”… Chính nhờ thế nên ví giặm Nghệ - Tĩnh đã vượt khỏi vùng quê trở thành tài sản của nhân loại được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Ví giặm cùng với những làn điệu dân ca mà người dân Hà Tĩnh sinh sống bao đời trên vùng đất khắc nghiệt đã sáng tạo, hun đúc thành bản sắc văn hóa riêng cùng với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như sân khấu, lễ hội, phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, chùa chiền… mang thương hiệu vùng đất văn hiến. Có thể nói trong đói nghèo lạc hậu, thiên tai, giặc dã nhưng người Hà Tĩnh không chịu đựng mà còn không chịu khuất phục luôn tìm tòi sáng tạo vươn lên với khát vọng sống cao đẹp. Tự hào người Hà Tĩnh có một đặc trưng văn hóa riêng, hài hòa, chân thật, tế nhị và bao trùm lên là tính nhân văn. Chính nhờ có nền truyền thống đó mà vùng đất này suốt chiều dài lịch sử của đất nước thời nào cũng sản sinh ra những anh hùng, những nhà văn hóa lớn. Đỉnh cao là Đại thi hào Nguyễn Du. Cụ Nguyễn Tiên Điền là ngôi sao sáng chói của dân tộc Việt Nam và của nhân loại. Phát huy bản sắc văn hóa dân gian, trên nền tảng nhân văn của người Hà Tĩnh với tư duy sáng tạo và trí tuệ uyên bác, Nguyễn Du đã đưa cái Tâm lên tầm nhân loại và xuyên suốt qua mọi thời đại. Cũng từ cái Tâm của con người Hà Tĩnh, Nguyễn Du đã quan sát và nhận biết, đã hòa nhập được với cái Tâm của mọi lớp người; đã nhìn thấu hiểu tận cùng những xung đột, những nghịch cảnh, những nổi đau thương để thao thức, đồng cảm với họ và thức dậy lương tâm mọi người. Tư tưởng nhân văn có cội nguồn văn hóa Hồng - Lam được cách tân, mới mẻ, sáng tạo làm nên tác phẩm văn học Truyện Kiều chứa đựng ở trong đó hàng triệu số phận con người, để rồi có được sức truyền cảm lạ thường đến như vậy, Cụ đã đem thơ vào tiểu thuyết, đưa dân ca ví giặm vào thơ để thăng hoa có được tác phẩm Truyện Kiều bằng thơ, tác phẩm văn học sáng chói của nền thơ ca Việt Nam và của nhân loại.
Rất đáng mừng với tri thức dân gian và nền văn hóa của quê hương, tiếp nối truyền thống cha ông, các thế hệ con em Hà Tĩnh hoạt động trên các lĩnh vực ở tại quê hương cũng như ở khắp mọi miền của đất nước và ở nước ngoài đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, luôn tìm tòi sáng tạo để vun đắp thêm giá trị nhân văn với những nét văn hóa riêng có của người Hà Tĩnh.
 

Tin khác