GIÁ TRỊ VĂN HÓA, GIÁ TRỊ VIỆT NAM

Văn hóa là nguồn lực sức mạnh cực kỳ quan trọng của dân tộc. Phát huy nguồn lực văn hóa trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 và toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, là vấn đề mang tính thời đại và có ý nghĩa quyết định sự phát triển hưng thịnh của đất nước

TS Đăng Duy Báu
Nguyên Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh

Có thể nói văn hóa là nguồn lực để cấu thành sức mạnh của một dân tộc, một quốc gia. Phát huy nguồn lực văn hóa để thành sức mạnh thực sự, một nhân tố quan trọng trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 và toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, là vấn đề mang tính thời đại.
Ngày nay những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của một quốc gia đối với các quốc gia khác không chỉ là vấn đề kinh tế mà là những giá trị truyền thống về văn hóa, tư tưởng, chính trị, đạo đức xã hội gắn liền với những quốc sách làm nên giá trị của mỗi quốc gia. Tùy theo cấp độ, từ mối quan hệ giữa cá nhân trong xã hội, tới quan hệ về tổ chức, cộng đồng, đến cấp độ quốc gia đều có vai trò của văn hóa với tư cách là “sức mạnh mềm”.
Sức mạnh văn hóa nằm ở những giá trị văn hóa tinh thần và vật chất, những ý tưởng, những sáng tạo và luôn phát triển, liên quan đến hành vi tạo nên sự hấp dẫn, sức lôi cuốn trong cuộc sống không chỉ ở hiện tại mà là cuội nguồn của truyền thống lịch sử dân tộc. Việt Nam phải thường xuyên đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược, cha ông ta đã dựa trên nền văn hóa dân tộc, phát triển và phát huy để tạo nên sức mạnh cộng đồng để tìm ra cách thức xử lý phù hợp và hiệu quả; nhờ đó mà “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch với nhiều”. Hồ Chí Minh đã tổng kết thành phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Giá trị văn hóa nằm ở những yếu tố đời thường, hầu như ở đâu, lúc nào ta vẫn gặp, chỉ cần biết cách phát huy là có hiệu quả. Cần phát huy sao cho cái hay, cái đẹp, cái tốt, cái đúng lan tỏa và tiếp tục nảy nở thêm; cái xấu, cái hư, cái ác bị lên án và giảm bớt dần… Đó là việc khơi dậy sử dụng và phát triển các yếu tố tích cực, tiến bộ cùng với phê phán bài trừ các yếu tố tiêu cực, hủ tục lạc hậu nhằm phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy quá trình phát triển của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng cũng như mỗi quốc gia, dân tộc.
Văn hóa Việt Nam với bản sắc của dân tộc được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần cố kết cộng đồng, lòng nhân ái bao dung, tinh thần trọng nghĩa tình, trọng đạo lý… được kết tinh ở một hệ giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc mà hiện đã có 23 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Có thể nói những giá trị tinh thần truyền thống của văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên bản lĩnh Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Tinh thần và lối ứng xử văn hóa Việt Nam đã thu phục, cảm hóa cả những kẻ đã từng xâm lược nước ta, tạo nên hình ảnh từ một quốc gia nhỏ bé, chưa có vị thế gì đã trở thành ngôi sao trong cuộc chiến đấu và chiến thắng trước những kẻ thù xâm lược hùng mạnh, đến việc sáng tạo tìm ra con đường phát triển với khát vọng dân tộc hùng cường “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.
Bước vào thời đại hội nhập, hình ảnh một Việt Nam có nền văn hóa đa dạng, đa sắc màu, độc đáo và khác biệt, lại có mối liên hệ với nền văn hóa thế giới, những giá trị chung của nhân loại đang là điều kiện thuận lợi để tiếp tục bồi đắp thêm bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời có giá trị chiến lược trong việc phát huy “sức mạnh mềm” của quốc gia. Việc chủ động hội nhập và sẵn sàng giao lưu, tiếp nhận tinh hoa văn hóa thế giới Việt Nam có nhiều lợi thế. Đó là truyền thống lịch sử hào hùng trong quá trình chống giặc ngoại xâm; địa hình phong phú và đa dạng, cảnh sắc thiên nhiên ưu đãi; di sản văn hóa dồi dào; con người nhân hậu, cởi mở, nhân văn; xã hội bình an, thân thiện… đang là những yếu tố văn hóa hiếm có để phát huy và quảng bá hình ảnh một Việt Nam đáng sống và đáng đến với thế giới.
Vấn đề lớn đặt ra hiện nay là cần xây dựng được một hệ giá trị Việt Nam trong thời đại hội nhập quốc tế. Hệ giá trị của một cộng đồng, được hình thành nên trong quá trình lịch sử lâu dài và chi phối các hành vi, hoạt động của cộng đồng đó. Hệ giá trị Việt Nam đã tồn tại, gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ rất phong phú, góp phần định hình nên những phẩm chất và giá trị cốt lõi của người Việt. Trong hoàn cảnh lịch sử có nhiều biến động, hệ giá tị cũng có sự biến đổi cho phù hợp đó là biện chứng của lịch sử. Cho nên việc xác định rõ một bảng giá trị mới, gồm những giá trị cốt lõi, định hình bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, góp phần kết nối hệ giá trị các dân tộc, quốc gia khác là một việc cần thiết. Chúng ta cần định rõ được những bản sắc thấm đượm “chất Việt”, riêng biệt từ các sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa, đến lối ứng xử, hành vi của con người Việt Nam trong mọi hoạt động… làm nên bản sắc văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Như vậy cần có sự nghiên cứu, tổng kết để định vị được lịch sử và truyền thống dân tộc phù hợp với bối cảnh mới vừa mang đậm đặc trưng dân tộc nhưng mặt khác thích ứng được với “hơi thở thời đại”, có tính phổ quát, như vậy mới có sức phát huy trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Những giá trị cốt lõi này cần được phổ biến và giáo dục rộng rãi tới mọi thành viên trong xã hội để mọi người hiểu rõ để thích ứng và thực hiện. Cần có các chương trình tuyên truyền, giáo dục thông qua các kênh truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng, các trường học… nhằm xây dựng đời sống văn hóa dựa trên những chuẩn mực, hệ giá trị đã được định vị.
Cần làm cho mọi người nhận thức được rằng, có thể xây mới được nhiều thứ, nhưng di sản văn hóa là những giá trị được un đúc nên bởi chiều dài lịch sử và văn hóa của bao thế hệ nối tiếp nhau, là “tài nguyên không tái tạo”. Từ đó nâng cao trách nhiệm trong việc tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của các ti tích, di sản vật thể và phi vật thể. Bên cạnh đó cần huy động toàn xã hội góp sức sáng tạo ra những giá trị mới để làm giàu văn hóa dân tộc. Các hoạt động sang tạo văn học, nghệ thuật cần được khuyến khích, tạo điều kiện để tự do sáng tạo nên các tác phẩm kết tinh được bản sắc văn hóa dân tộc với tinh hoa của thời đại. Chỉ có vậy thì mới phát triển được nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với hội nhập và tiếp cận được văn hóa nhân loại.
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định giá trị văn hóa là sức mạnh của dân tộc cần được gìn giữ, tôn tạo phát triển, cần bảo vệ và phát huy để văn hóa phát triển tốt đẹp,, xem đó là nội dung là cốt lõi của truyền thống giá trị văn hóa. Cần hoàn thiện và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia bao gồm hệ giá trị văn hóa gắn với chuẩn mực con người Việt Nam nhằm không ngừng phát huy ý chí, khát vọng đưa đất nước phát triển hung cường, thịnh vượng theo định hướng Đại hội Đảng đã đề ra.
 
 

Tin khác