GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HÓA CỦA TRUYỀN THỐNG HIẾU ĐẠO TRONG ĐỜI SỐNG DÂN TỘC VIỆT

Cộng đồng các dân tộc Việt Nam vốn chung sống trên một vùng đất linh thiêng từ Đỗng Đình (nay thuộc Trung Quốc) trải xuống Phương Nam, đến hết giải đất hình chữ S thân thương, đã cùng dựng nên một lịch sử văn hóa vô cùng hoành tráng

GS.TS. Hồ Trọng Ngũ

Cộng đồng các dân tộc Việt Nam vốn chung sống trên một vùng đất linh thiêng từ Đỗng Đình (nay thuộc Trung Quốc) trải xuống Phương Nam, đến hết giải đất hình chữ S thân thương, đã cùng dựng nên một lịch sử văn hóa vô cùng hoành tráng. Dân tộc Việt như một đại diện lịch sử mà tạo hóa giao cho sứ mệnh thiết dựng một nền văn hóa đặc sắc trường tồn trên miền đất Đông Nam Á và thực tế đã có được một truyền thống văn hóa rực rỡ, đậm đà bản sắc. Dòng họ và truyền thống hiếu đạo như là những đặc điểm nổi bật, góp phần khắc họa bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam.

Nếu huyết thống là quan hệ gắn kết con người thành gia đình, dòng giống, họ tộc, thì huyết thống cũng là cơ sở ban đầu và là chất keo quan trọng nhất để kết dính các gia đình, dòng họ thành các cộng đồng xã hội, quốc gia – dân tộc. Chính các thể chế hôn nhân gia đình, họ tộc, tập tục, truyền thống, đạo đức, giáo lý cùng với hoàn cảnh, điều kiện sống kinh tế và đất đai lãnh thổ sinh tồn đã kết nối con người xã hội thành các quốc gia dân tộc. Truyền thuyết gia đình Lạc long quân, Âu cơ với 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển, dòng giống Lạc Hồng đã phản ánh một cách tập trung, rõ nét nhất mối quan hệ phổ quát đó.

Dân tộc nói chung đã hình thành trên cơ sở hệ thống các yếu tố, các thiết chế văn hóa đã kết nối các nhóm xã hội (huyết thống, dòng tộc, họ hàng, làng xã…) với nhau bởi nhu cầu sinh tồn, phát triển. Nhiều gia tộc, dòng họ chung sống với nhau trên những phạm vi lãnh thổ xác định, liên hệ, cố kết với nhau thông qua những hệ thống quan hệ lập nên một trật tự xã hội nhất định cơ bản thống nhất lợi ích tồn tại, đã tạo thành quốc gia – dân tộc.  Từ dòng giống Hồng Bàng với Nhà nước Văn Lang của Kinh Dương Vương, rồi Nhà nước Âu Lạc của Lạc Long Quân, truyền tiếp 18 đời Hùng Vương nối nghiệp đã cho ta thấy rất rõ những quy luật đó. Chính yếu tố thống nhất trong đa dạng những giá trị và lợi ích văn hóa của các dòng tộc đã lập thành nhu cầu, điều kiện và chế ước đời sống chung giữa các dòng tộc trên lãnh thổ Bách Việt ngàn xưa và tạo nên Dân tộc Việt với những bản sắc văn hóa riêng của mình. Ngày nay cả 54 dân tộc sống trên mảnh đất hình chữ S – Việt Nam đều cùng tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa đó; coi đó là di sản chung vô giá, nền tảng tinh thần để đoàn kết thống nhất, bền vững trong một cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam.

Truyền thống hiếu đạo trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt là vô cùng đặc sắc.

Truyền thống là những giá trị văn hóa được loài người tiếp thụ sáng tạo từ lịch sử xã hội quá khứ, làm hành trang và sức mạnh vật chất, tinh thần để vận hành và cải biến tiến bộ thực tiễn đương đại. Có nhiều quan niệm khác nhau về phạm trù quá khứ khi xem xét vấn đề truyền thống. Có quan niệm cho rằng cần lấy các mốc thay đổi lịch sử đương đại để xác định những gì thuộc phạm trù truyền thống. Về hình thức có thể quan niệm này hợp lý. Tuy nhiên, thực tiễn lịch sử nhân loại cho thấy, một chế độ xã hội hay bất cứ một thiết chế xã hội nào trường diễn trong một khoảng thời gian nhất định, thì trong quảng thời gian đó các phân kỳ lịch sử hình thành, phát triển, hoàn thiện của nó luôn để lại những dấu ấn, những kinh nghiệm, bài học nhất định mà đứng ở bất kỳ thời điểm lịch sử nào đó của quá trình phát triển để xét thì đều có thể phát hiện và tiếp thụ được những di sản từ quá khứ. Một chế độ xã hội dù tồn tại trong thời gian ngắn thì ít nhiều nó vẫn luôn có được những giá trị tự thân mà ở thời điểm nó kết thúc sứ mệnh lịch sử, và sau đó, có thể coi là những giá trị truyền thống. Đặc biệt trong lịch sử xã hội loài người, vì dòng họ luôn tiếp nối, trường diễn và luôn chủ ý trao truyền cho hậu thế của mình những gì vinh quang, tốt đẹp nhất nên truyền thống của mỗi dòng họ xét trên một quy mô, bình diện đủ lớn, có một vai trò vô cùng đặc dị trong tiến trình hình thành, phát triển và giải quyết những vấn đề đương đại của dòng họ đó. Trên bình diện quốc gia – dân tộc thì truyền thống dòng tộc là dòng chủ lưu cuốn hút các dòng họ, các cộng đồng và chuyển tải, lưu giữ những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Lịch sử hình thành và phát triển của các dòng họ Bách Việt đã để lại cho hậu thế truyền thống văn hóa vô cùng phong phú và đặc sắc.

Hiếu đạo – uống nước nhớ nguồn là đặc điểm, là giá trị văn hóa đạo đức căn bản nhất trong văn hóa dòng họ. Chính trong quá trình tích hợp, cộng hưởng truyền thống văn hóa các gia đình, dòng tộc, hiếu đạo đã trở thành một đặc điểm phổ quát, đặc sắc của văn hóa dân tộc Việt, một sức mạnh tinh thần to lớn bảo đảm cho sự trường tồn, phát triển đất nước, dân tộc.

Trải gần 5000 năm lịch sử, dân tộc Việt đã thể hiện rõ nét bản sắc hiếu đạo – như một phẩm chất đạo đức cao thượng, tuyệt vời và là cốt lõi của sự trường tồn nòi giống. Dù bao nhiêu biến động lịch sử, bao nhiêu thủ đoạn hết sức thâm độc của những kẻ xâm lược ngoại bang, kể cả đến hàng ngàn năm đô hộ thì dòng giống Dân tộc Việt vẫn không bị đồng hóa. Và, vì thế, văn hóa Việt mãi trường tồn, không bị thôn tính, không bị hủy diệt trước mọi âm mưu của kẻ thù.

Thành ngữ “con Lạc, cháu Hồng” đã không chỉ là một biểu trưng cho nguồn gốc lịch sử, chủ thuyết về sự hình thành dân tộc Việt mà còn thể hiện sâu sắc sự đúc kết thống nhất những giá trị văn hóa dòng tộc, sức mạnh thống nhất “bất khả tư nghì” của khối đại đoàn kết dân tộc, khẳng định sức mạnh của sự cố kết các quan hệ máu thịt, những giá trị phổ quát và điều kiện chung tồn tại, bảo vệ che chở cho nhau, nương tựa lẫn cùng nhau lớn mạnh phát triển trong một cộng đồng quốc gia dân tộc phụng thờ một Tổ Quốc Việt Nam linh thiêng. Điều đó cũng giải thích vì sao mỗi con người Việt Nam dù ở đâu trên trái đất này, cũng đều quan tâm đến và thừa nhận nguồn gốc Lạc Việt của mình, đều cảm thấy thiêng liêng khi nói đến cội nguồn tổ tiên dân tộc mình. Cũng chính điều đó đã giúp con người Việt Nam trải qua nhiều ngàn năm, với bao thăng trầm của lịch sử xã hội và sự biến đổi của thiên nhiên, nhưng niềm tin, tư tưởng, tình cảm sâu sắc đối với các Bậc Đế vương Thánh minh vẫn trọn.

Hiếu đạo đã làm cho con người Việt Nam trở nên đẹp đẽ rạng ngời và tỏa sáng trong đời sống văn hóa của nhân loại. Đạo hiếu đã làm cho đời sống thực của tiền nhân các dòng họ trong dân tộc Việt càng trở nên linh thiêng. Và chính điều đó đã tạo nên không gian linh thiêng kết nối những thế hệ con cháu người Việt ngày nay với các thế hệ tiền kiếp, với các thế hệ đã xác lập, tạo dựng, giữ gìn bảo vệ để có được đất nước, con người Việt Nam ngày nay; đặc biệt những Liệt vị anh linh đã thay mặt đấng sáng tạo, đã minh trị đất nước và con người Việt Nam, che chở cho con dân nước Việt từ ngàn vạn kiếp đến nay.

Truyền thống hiếu đạo của dân tộc Việt có giá trị lịch sử văn hóa vô cùng sâu sắc và to lớn đối với tiến trình dựng nước, giữ nước và phát triển đến phồn thịnh.

Không phải hôm nay chúng ta mới tập hợp nhau lại để thực hiện những nghi lễ thể hiện lòng tôn kính, biết ơn đối với các bậc Tiên Đế Thánh minh của đất nước, dân tộc. Tự ngàn xưa, tổ tiên chúng ta đã biết thờ phụng các bậc tiên đế theo đạo Trời. Và khi những con người Việt Nam biết tạo dựng văn minh, xác lập quốc gia dân tộc, thì các bậc đế vương cũng đã thường xuyên tổ chức các nghi lễ điếu phúng để “nối phúc tốt của công đức tổ tông” và thờ cúng Trời, Đất cầu xin cho mưa thuận, gió hoà, biên giới an ninh binh cách tiêu, cho thiên hạ thái bình, dân tình an lạc, để khi gặp vận hội trời cho thì phục nghiệp an bang tế thế. Trong tư tưởng, tình cảm tâm thức của người Việt, từ ngàn xưa đã có một chỗ dựa tâm linh sâu sắc là vũ trụ, đất trời, núi sông, cây cỏ và các dòng giống con người đều do Đức Mẫu nghi tạo ra. Tư tưởng đạo hiếu cực kỳ sâu sắc và quan trọng, điểm cội thần kinh linh thiêng của người Việt chính là quan niệm và thực tiễn hành đạo thờ phụng Địa Mẫu thượng thiên và Đức Thượng đế Thiên đình. “Kể từ Kinh Dương vương họ Hồng Bàng, nối con cháu Thần Nông, lấy con gái vua Đỗng Đình, tỏ rõ đạo vợ chồng, nắn ngay gốc phong hóa”, vua và dân giữ đúng thân phận trong đạo thần quân, vua tôi, đời đời kiếp kiếp truyền giữ “phong tục Thái cổ của Viêm Đế”. Điều đó được chép trong chính sử.

Hiếu đạo là đức năng quan trọng bậc nhất của con người xã hội. Các triều đại Việt Nam không chỉ biết thể lòng tôn kính đối với các Đấng tiên linh, tạo hóa, mà cũng thường xuyên giáo hóa cho dân chúng, thiên hạ của mình tư tưởng, tinh thần hiếu đễ. Nhà nước nhiều triều đại phong kiến còn quy định trách nhiệm thực hiện đạo hiếu đối với các vị quan chức. Vua với tư cách là thiên tử, có trách nhiệm, nghĩa vụ phải chăm lo giữ đạo hiếu cho dân. Vua không chỉ phải tổ chức trọng thể các lễ tế, phụng thỉnh Trời đất, Thần linh để được bề trên ban ơn lành cho Nước, cho dân, cho xã tắc. Vua còn phải tổ chức việc phong thần cho những nơi phát tích những thần linh, địa khí linh thiêng kể cả thiên thần và nhân thần, đồng thời tổ chức việc kiểm tra, thưởng phạt đối với những địa phương, những nhà chức trách địa phương trong việc tổ chức cho dân thực hiện việc hiếu nghĩa với thần linh. Vua quy định cho phép các quan được nghỉ phép để phụng dưỡng cha mẹ già yếu hoặc được nghỉ nhiều tháng để chịu tang khó cho cha mẹ. Không hoàn thành đạo hiếu bị coi như thiếu khuyết một phẩm chất quan trọng của người làm quan. Quả là một quy định hết sức nhân văn và một nét văn hóa tuyệt vời đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Chính điều đó đã rèn dạy các quan chức trong bộ máy tinh thần trung nghĩa, tiết khí trước những việc của nhà vua, của triều đình, cũng như quê hương bản quán và dòng tộc. Bỏ qua một vài khía cạnh thiếu tích cực hệ lụy của trật tự “vua tử, thần tử, thần bất tử bất trung” hoặc của chính sách “tru di họ tộc”,… có thể nói rằng những tư tưởng căn bản của đạo hiếu trong truyền thống dân tộc trường tồn qua thời gian đã làm cho nền văn hóa dân tộc ta càng thêm đậm đà những bản sắc riêng, hiếm có trên thế giới.

Ngày nay, trước bao nhiêu tác độn tiêu cực từ điều kiện, hoàn cảnh mở cửa, quan hệ đa phương, đa dạng, thì những mặt tích cực cơ bản của đạo hiếu được truyền thừa từ tổ tiên cần được bảo tồn, khai thác một cách hợp lý và tích cực để quản lý đất nước, quản lý xã hội một cách hiệu quả hơn.

Nước có nguồn, cây có cội, con người có tổ tông, quê hương bản quán. Vì thế cần chú trọng giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của đạo hiếu trong truyền thống dân tộc để sự nghiệp chấn hưng đất nước có năng lượng sinh trưởng dồi dào từ rễ sâu, gốc bền và hạnh phúc muôn dân rộ hoa, sum trái.

Tin khác